Nỗ lực lên tiếng chấm dứt tấn công tình dục
Sau hơn 10 ngày, Liên hoan phim Cannes bế mạc với giải thưởng Cành cọ vàng thuộc về Anora, bộ phim về vũ nữ thoát y gắn mác 18+.
Theo Guardian, ngoài bộ phim gắn mác 18+, những sao nữ nổi tiếng nhất tại Hollywood được vinh danh, trong đó có Meryl Streep nhận giải Thành tựu trọn đời. Cannes cũng là nơi "tôn vinh" những mỹ nhân mặc đẹp từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng và thời trang của những ngôi sao điện ảnh, có những vấn đề Liên hoan phim Cannes che giấu suốt nhiều năm, trong đó có việc thờ ơ với vấn nạn quấy rối, tấn công tình dục, mà đa phần nạn nhân là nữ.
"Trông thì họ có vẻ tôn vinh, trao quyền cho phụ nữ, nhưng nhìn những gì diễn ra đi, đó chỉ là giả tạo", Elle viết.
Ngay trước khi Liên hoan phim Cannes diễn ra, Elle đưa tin tài tử hàng đầu nước Pháp Gérard Depardieu, sắp hầu tòa với cáo buộc tấn công tình dục khi thực hiện bộ phim lấy bối cảnh năm 2021.
Guadian đưa tin sẽ có người công khai danh sách 10 nhân vật hàng đầu trong ngành công nghiệp điện ảnh Pháp có hành vi bê bối sẽ bị phanh phui (điều này đã bị ngăn chặn).
Trước đó, trong ngày khai mạc, có đến 9 phụ nữ công khai cáo buộc nhà sản xuất kỳ cựu Alain Sarde lạm dụng tình dục.
Trong khi nhiều người lên tiếng tố cáo theo cách tự phát, diễn viên, đạo diễn Judith Godrèche dùng điện ảnh để lan tỏa thông điệp. Vài ngày trước khi đến Cannes giới thiệu phim ngắn Moi Ausisi (Me Too), cô tố cáo Benoit Jacquot tấn công tình dục. Điều đó giúp tác phẩm của cô và quá khứ bị cưỡng dâm trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Sau khi công khai quá khứ bị tấn công tình dục, có 5.000 người nhắn tin ủng hộ Judith Godrèche. Godrèche sau đó thành công trong việc thành lập ủy ban điều tra về bạo lực tình dục trong điện ảnh.
Bước đầu, Judith Godrèche được chú ý. Đây là sự kiện đáng kinh ngạc ở Pháp, quốc gia vốn có thành kiến với phong trào #Me Too.
Lợi dụng phong trào #Me Too được chú ý tại Liên hoan phim Cannes, hàng trăm phụ nữ, trong đó có nhiều diễn viên nổi tiếng cùng ký vào bản kiến nghị đăng trên trang nhất tờ Le Monde. Họ yêu cầu làm rõ vấn nạn bạo lực tình dục ngày càng gia tăng ở Pháp, đặc biệt là những vụ "làm ăn bất chính" diễn ra trong chính Liên hoan phim Cannes.
Tại Liên hoan phim Cannes, Judith Godrèche giới thiệu bộ phim ngắn, kể về khoảng 1.000 người trải qua lạm dụng tình dục. Thông qua tác phẩm, cô muốn thay đổi thái độ thờ ơ của công chúng, người trong ngành điện ảnh về vấn nạn.
"Điều quan trọng là tôi muốn thế giới biết nước Pháp sẽ giải quyết tình trạng này thế nào. Giờ là lúc thế giới nhìn vào họ", Judith Godrèche nói.
Tuy nhiên, nỗ lực của Judith Godrèche không thổi bùng phong trào #Me Too như cô mong muốn. Vogue nhận định nỗ lực đưa #MeToo trở thành làn sóng tại Liên hoan phim Cannes khó thành hiện thực. Vì trong lịch sử, #Me Too tại Pháp không có tác động văn hóa lớn như ở Mỹ.
Nhà văn Agnès Poirier nhận định rằng quan điểm của người Pháp đối với đạo đức, tình dục luôn khác người Mỹ.
"Me Too được ấp ủ nhiều năm, nhưng chưa thể thay đổi trong năm 2024. Ngành làm phim cần những người như Judith Godrèche để thay đổi cục diện", Agnès Poirier nói.
Bê bối chưa dứt
Ngoài những vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành điện ảnh, sự kiện liên hoan phim có tuổi đời gần 80 năm còn nhiều vấn đề rắc rối.
Năm nay, Liên hoan phim Cannes tự nhận có sự thay đổi, khi Camille Cottin, người chủ trì lễ hội, đề cập "nền văn hóa ngầm" bị che giấu nhiều năm. "Tôi muốn nói rằng cuộc hẹn ăn chơi của những gã đàn ông trong khách sạn không còn là phong tục của Cannes năm nay sau khi phong trào #MeToo nổi lên mạnh mẽ. Chúng tôi vui mừng vì điều đó", Camille Cottin nói tại lễ phát biểu.
Tuy nhiên, điều Cottin nói dường như chỉ là "hy vọng lý tưởng", khi hàng loạt bê bối tình dục, những cuộc mua bán dâm vẫn tiếp diễn tại liên hoan phim năm nay.
Theo Daily Mail, suốt thời gian diễn ra Liên hoan phim Cannes, điều khiến ban tổ chức đau đầu vì không thể can thiệp là tình trạng mua bán dâm công khai, nơi mà họ gọi nhau là "những cô gái du thuyền".
Trong loạt bài quảng cáo đăng trên WhatsApp, hàng nghìn phụ nữ được mời ngủ với tỷ phú xuất hiện tại Cannes, giá 5.000 USD/đêm, thậm chí là 10.000 USD/đêm. Những lời chào mời có nội dung như: "Chúng tôi tìm kiếm những người mẫu hàng đầu, xinh đẹp, mọi quốc tịch nhưng ưu tiên người Latinh".
Theo Bild, khách mua dâm chủ yếu là doanh nhân người Nga, Mỹ và Arabia Saudi.
Giới chức Pháp cảnh báo những cuộc dùng tiền đổi tình có thể gây nguy hại đến tính mạng của các cô gái, do họ bị tịch thu hộ chiếu, cấm sử dụng thiết bị di động khi đồng ý trở thành "cô gái du thuyền".
"Đây là hình thức mại dâm trá hình với những đồng tiền không hóa đơn, nguồn gốc", Bild bình luận.
Trong loạt bài điều tra của Mail Online, nhiều cô gái khắp châu Âu đổ về nơi diễn ra Liên hoan phim Cannes để tổ chức bán dâm, chủ yếu là ở khách sạn và trên du thuyền sang trọng.
"Họ xuất hiện với hình ảnh sang trọng, được mời thưởng rượu trên du thuyền, trả phí bằng tiền mặt. Nhưng đổi lại, họ phải đánh đổi bằng cách quan hệ tình dục. Nhiều người xem đây là điều bình thường và phớt lờ mọi cảnh báo", Mail Online đưa tin.
Một "cô gái du thuyền" giấu tên từ Slovakia nói với Daily Mail rằng hầu hết người hoạt động đều cẩn thận, vì khách sạn xung quanh nơi diễn ra Liên hoan phim Cannes không thích điều đó xảy ra.
"Tuy nhiên, không ai có thể kiểm soát điều này. Số tiền có được tùy thuộc vào từng người, từ 1.000 euro đến vài chục nghìn. Và đừng mong tôi tiết lộ tên của ai", người này nói.
Một thành viên thủy thủ của du thuyền lại cho biết việc mua - bán dâm trên du thuyền những năm gần đây kín đáo hơn, nhất là khi phong trào Me Too xuất hiện. "Không ai muốn bị phát giác, phanh phui mua dâm khi trên danh nghĩa là họ dự Liên hoan phim Cannes", thủy thủ nói.
Daily Mail nhận định lại một mùa LHP Cannes đã qua, mọi thứ liên quan bê bối tình dục vẫn tiếp diễn, thậm chí nhiều hơn. Hiện tại, chưa có biện pháp triệt để giải quyết vì hình thức núp bóng ngày càng tinh vi, phức tạp.