Cảnh giác với đột quỵ ở trẻ em

TP - Thời gian gần đây nhiều bệnh viện tiếp nhận trẻ bị đột quỵ. Những triệu chứng của bệnh rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lí khác.

Mới đây bệnh nhi H.Đ.H (7 tuổi, trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) bị yếu liệt tứ chi nhưng kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ kèm theo tình trạng khó thở, khó nói. Tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) bệnh nhi được điều trị chống phù não và dùng thuốc chống đông theo phác đồ.

Bác sĩ Dương Thị Hồng Ngọc, khoa Hồi sức Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ) cho biết: “Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện nhiều, trẻ còn yếu chi nhẹ, cơ lực đạt 4/5, ăn uống được. Trẻ đã nói nhiều hơn nhưng còn khó và vẫn còn tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ.

Sau 20 ngày điều trị, trẻ đi lại được bình thường, nói rõ, ăn uống tốt, đại tiểu tiện tự chủ, không sốt, không nôn, không đau đầu và được xuất viện”.

Bé H. 7 tuổi đã hồi phục sau đột quỵ

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một bé gái 8 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não không rõ nguyên nhân, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải. Sau 9 ngày điều trị bệnh nhi được chuyển về phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ).

Tuy nhiên, lúc này bệnh nhi vẫn còn méo miệng, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu. Sau 10 ngày tích cực điều trị tại Đơn vị Phục hồi chức năng, bệnh nhi đã hồi phục rất tốt.

“Đột quỵ ở trẻ em, thường liên quan đến các bệnh lí về tim mạch, mạch máu, hay gặp như bệnh bóc tách động mạch, dị dạng động mạch, viêm động mạch. Ngoài ra, còn có các bệnh về máu, có thể dẫn đến tình trạng tăng đông hoặc tình trạng giảm đông máu. Tình trạng tăng đông hay gây ra huyết khối, tắc mạch, còn tình trạng giảm đông máu sẽ gây ra đột quỵ chảy máu ở trẻ em. Một số trường hợp có thể có liên quan đến gen làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở trẻ em”.

TS. Nguyễn Hồng Quân, Phó chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh

(Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Theo các chuyên gia, đột quỵ ở trẻ em không khác gì ở người lớn, đều là đột ngột xảy ra với những dấu hiệu thần kinh khu trú. Đối với những trẻ lớn, dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn, như: méo miệng, nói ngọng, liệt nửa người, rối loạn về thị giác và thăng bằng. Còn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ chưa biết đi, chưa biết kêu đau thì việc phát hiện khó hơn. Một số trường hợp không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ đau đầu, nôn trớ, lơ mơ, lừ đừ.

Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lí khác như viêm màng não, động kinh… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng rất nặng nề như: rối loạn ngôn ngữ, liệt chân tay, nửa người, liệt cả người, không tự chủ được vận động thông thường, mất kiểm soát đại tiểu tiện...

Dấu hiệu nhận biết

Bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như đau đầu, nôn ói bất thường, lơ mơ, không linh hoạt, co giật, yếu tay chân một bên, khó nói..., người lớn cần đưa trẻ đi khám ngay.

Để nhận diện nhanh đột quỵ, cha mẹ yêu cầu con cười để xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không; yêu cầu con giơ cùng lúc cả hai tay lên để xem một bên tay có bị rũ xuống hoặc không thể giơ lên hay không; kiểm tra xem trẻ có bị nói lắp, nói không rõ lời hay không… Khi trẻ có những dấu hiệu này, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, bởi “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ được tính bằng phút, bằng giây.

Theo các chuyên gia, khi trẻ có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt trẻ vào một vị trí thoải mái, tốt nhất cho trẻ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng an toàn, đầu, vai hơi nâng cao và được hỗ trợ bằng gối hoặc quần áo. Hạn chế di chuyển trẻ, giữ môi trường thông thoáng, nới lỏng quần áo.

Nếu trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hoặc chích lể máu đầu ngón tay, sau gáy hay sau tai vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.