Cảnh giác H7N9 lây qua biên giới

TP - Trước việc Trung Quốc vừa xác nhận những ca nhiễm và tử vong đầu tiên do virus cúm H7N9, Việt Nam đang đẩy mạnh kiểm dịch y tế biên giới, giám sát các trường hợp nghi nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng...

> Bốn người nhiễm H7N9 ở Trung Quốc
> Hai người chết vì cúm gia cầm H7N9

Ngày 3/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có công văn gửi Viện trưởng các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Công văn cho biết, theo thông báo của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế 2005 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 29/3 phát hiện 3 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc (1 người ở tỉnh An Huy, 2 người ở thành phố Thượng Hải), trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong.

Ba người đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Phòng xét nghiệm CDC Trung Quốc xác định các trường hợp trên đều dương tính với cúm A/H7N9 có gene từ nguồn gốc gia cầm, nhưng kết quả âm tính với cúm A/H3N2, A/H1N1 đại dịch, A/H5N1 và chủng mới của virus Corona.

Đây là trường hợp đầu tiên cúm A/H7N9 gây bệnh nặng trên người và chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.

Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu, các đơn vị chủ động phối hợp cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm.

Triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh.

Tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh. Thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc phòng chống bệnh cúm tại địa phương.

H7N9 có thể không xuất phát từ gà

Chủng virus mới H7N9 cho thấy dấu hiệu có thể không phải lây từ gia cầm sang người mà có thể từ một loài động vật có vú nào đó, cụ thể là lợn, một chuyên gia WHO nhận định hôm qua.

Trong khi chưa rõ vật chủ là động vật nào, có hai đối tượng được xác định rõ nhất đến giờ này là lợn và người, theo TS Richard Webby, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Cúm của WHO có trụ sở ở bang Tennessee (Mỹ). “Tôi cho rằng, nó không giống virus cúm gà”, Canadian Press dẫn lời TS Webby, chuyên gia về cúm lợn.

TS Webby không loại trừ nguy cơ virus xuất phát từ chính con người rồi phát tán vào tự nhiên, dù ông cho phán đoán này là quá sớm. Phát hiện ra nguồn vật chủ có ý nghĩ quan trọng trong việc giảm nguy cơ người phơi nhiễm và ngăn các trường hợp mắc mới.

Từ hai ca mắc và tử vong ở Thượng Hải, các nhà khoa học tập trung hoài nghi vào lợn. Trên sông Hoàng Phố gần Thượng Hải gần đây liên tiếp xuất hiện tình trạng lợn chết bị thả trôi sông. Một số nhà khoa học cho rằng, các con lợn trôi sông có thể chết vì dịch bệnh gây ra bởi circoviruses, một loại mầm bệnh lây lan trên lợn. Một số khác cho rằng, nông dân đã đem dìm chết những con lợn mà họ không thể bán cho các lò mổ, sau khi nhà chức trách phong tỏa để ngăn lợn chết bị tuồn ra chợ.

WHO vẫn chưa thảo luận việc nâng cao mức cảnh báo dịch bệnh. Tính đến nay, có tổng cộng bảy người mắc H7N9 ở ba địa phương của Trung Quốc, trong đó hai ca tử vong và năm ca còn lại đều ở thể nặng.

Chủng virus mới là H7N9, trong đó H và N là viết tắt của các protein mang tên hemagglutinin (H) và neuraminidase (N) protein mà virus này mang ở lớp vỏ bên ngoài của nó. Trước đây, H7N9 được cho là không lây lên người.

Ồ ạt nhập lậu gia cầm

Chiều 2/4, Đội QLTT số 1 thành phố Lạng Sơn phối hợp với công an tỉnh vây bắt tại tổng kho Khuổi Mươi ở xã Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc, thu hơn 1,2 tấn gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc. Trước đó, tại xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, đội chống buôn lậu huyện phát hiện hai mô tô vận chuyển gần 3.000 con gà giống không có giấy tờ hợp lệ, nhập qua đường mòn, từ khu chợ Ái Điểm (Trung Quốc).

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng làm nhiệm vụ ở biên giới lập lán, trại chốt chặn, nhưng việc nhập lậu gà vẫn chưa giảm.

Theo Báo giấy