Chỉ ít phút thiếu cảnh giác, mất nhiều tờ vé số
Dạo quanh trên đường Võ Văn Kiệt thuộc ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình), chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều người đi bán vé số trong các quán xá, trên các con đường, đa phần là những người này đã lớn tuổi, có cả trẻ nhỏ.
Từng là nạn nhân của vụ giật vé số, ông Trần Minh Hai (ngụ ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) kể lại, hôm đó là mùng 2/8 Âm lịch, ông đang đi trên đường thì có người thanh niên mặc đồ công nhân, áo màu xám kêu lại mua vé số. Lúc đó, ông đưa 2 xấp vé số dày có khoảng 90 tờ, nhưng người này lựa hoài mà không chịu rút.
Một lúc sau, người này có ý định rồ ga chạy đi thì ông Hai đã kịp nắm được đuôi xe nên lấy lại được vé số. Ông Hai cho hay, hơn 3 năm hành nghề bán vé số dạo, ông đã mất hơn 300 tờ vé số mà không rõ nguyên nhân.
Tương tự như trường hợp của ông Hai, chỉ ít phút thiếu cảnh giác, nhiều tờ vé số của bà Phạm Kim Son (63 tuổi, ngụ ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) đã “không cánh mà bay”. Bà Son kể: “Lúc đó khoảng 6h20 mùng 2/8 âm lịch, tôi vào một quán nước ven đường mời khách mua vé số thì cùng là người thanh niên mặc đồ công nhân, áo màu xám kêu lại mua vé số”.
Nghe vậy, bà Son đi lại chỗ người này ngồi rồi đưa 2 xấp vé số mỏng thì người này hỏi bà còn vé số nữa không nên bà lấy trong cặp ra đưa thêm cho khách lựa. Trong quá trình lựa vé số, người thanh niên này liên tục hỏi thăm nhiều vấn đề nên bà cũng vui vẻ tiếp chuyện.
“Do mải tiếp chuyện nên khi khách đưa lại vé số, tôi cũng không để ý mà rời đi. Đi được một đoạn, tôi kiểm tra lại mới biết mình mất 54 tờ. Tôi khẳng định thời điểm đó chỉ bán duy nhất cho người ngồi trong quán nước gặp trước đó”, bà Son nói.
Theo lời kể của bà Son, hai vợ chồng bà đều mưu sinh bằng nghề bán vé số. Qua khoảng 9 năm hành nghề, bà đã từng nhiều lần “ôm trái đắng” khi bị một số đối tượng đổi vé số giả, đổi tiền giả,….Nhưng trong khoảng 9 ngày gần đây, bà bị mất tổng cộng 140 tờ vé số mà không biết lý do.
Sợ cha mẹ la mắng nên mượn tiền của bà bán vé số khác lắp vào
Đáng thương nhất là trường hợp của hai anh em Lê Văn Sang – Lê Văn Quan (ngụ xã Khánh An, huyện U Minh). Hoàn cảnh gia đình của hai em rất khó khăn nên phải nghỉ học từ lớp 3. Nhiều năm qua, hai anh em Quan và Sang phải mưu sinh bằng nghề vé số dạo ở địa bàn giáp ranh xã Khánh An và xã Hồ Thị Kỷ.
Cũng trong thời gian này, Quan và Sang bị mất trên dưới 200 tờ vé số. Sang kể lần gần nhất là vào sáng 28/8, em đưa vé số cho người khách lựa rồi vô tư đi bán tiếp nhưng khi nghe mọi người kể chuyện mất vé số thì em kiểm tra lại phát hiện mất 50 tờ từ lúc nào không hay.
“Mỗi ngày con bán được khoảng 100 tờ, hôm nào may mắn bán được khoảng 150 tờ. Nhưng lúc bị mất 50 tờ con không dám nói cha mẹ biết mà mượn tiền của bà bán vé số khác lắp vào. Hàng ngày, con phải góp trả bà 50.000 đồng, đến nay chỉ mới góp trả được 2 lần”, Sang vô tư nói.
Ngồi cạnh bên, Quan nói thêm: “Cách đây khoảng 10 ngày, con cũng vào quán nước ven đường mời khách mua vé số thì chú đó mua 1 tờ rồi đưa lại sấp vé số cho con. Khi kiểm tra, con thấy mất hơn 50 tờ nhưng con nói không lại chú đó, rồi chú không chịu trả tiền mà lên xe bỏ đi luôn”.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Trung Thuật, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) cho biết, địa phương có nghe người dân trên địa bàn bàn tán về việc người bán vé số dạo bị lấy vé số.
Tuy nhiên, do người dân không trình báo chính quyền hay công an nên trước mắt tuyên truyền người dân cảnh giác trước những đối tượng có ý đồ xấu, đồng thời chỉ đạo công an xã theo dõi, rà soát để kịp thời đảm bảo trật tự trên địa bàn.