> Đề xuất nông dân góp cổ phần bằng lúa
Sản xuất vẫn nhỏ
Hợp tác xã nông nghiệp Tân Cường ở xã Phú Cường (Tam Nông, Đồng Tháp), có 245 nông hộ liên kết sản xuất trên 600 ha, hơn chục năm đạt năng suất cao.
Vụ đông xuân 2011-2012, dưới sự chỉ đạo của nhiều cơ quan trong tỉnh, HTX thực hiện thí điểm “cánh đồng mẫu lớn” và được Docimexco ký hợp đồng mua toàn bộ lúa Jasmine. Hợp đồng thiếu ràng buộc cụ thể, đến khi thu hoạch do giá lúa xuống thấp, Docimexco không thực hiện.
Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Trãi cho biết, Docimexco còn hứa cung cấp vật tư nông nghiệp theo giá đại lý cấp 1, nhưng thực tế giá cao hơn đại lý cấp 3 đến 1-2% nếu trả tiền mặt, còn ghi nợ phải thế chấp tài sản và tính lãi.
Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, GĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: “Cánh đồng mẫu lớn mới chỉ là một bước thay đổi trong tình thế thiếu những nông trại lớn, thiếu những cá nhân có khả năng đầu tư và quản trị tốt. Sản xuất hiện đại phải trên cơ sở nông trại lớn với những người quản lý hiện đại; muốn vậy, phải thoát ra những trói buộc từ cơ chế đến quan niệm về đất đai”.
Cũng ở xã Phú Cường, còn có HTX nông nghiệp Phú Cường, với 508 nông hộ sản xuất 600 ha, lâm tình trạng tương tự.
Docimexco ký hợp đồng bao tiêu 250 ha lúa Jasmine và Chủ nhiệm Dương Văn Hùng nói, doanh nghiệp nhùng nhằng nên phải tìm mối bán khi thu hoạch.
Dù có nhiều kỳ vọng, “cánh đồng mẫu lớn” chưa thoát được cái áo của sản xuất nhỏ. Điểm yếu cốt tử của sản xuất nhỏ là không có chiến lược đầu ra cho sản phẩm, năm 2012, khi xuất khẩu gạo không còn thuận lợi với giá theo chiều hướng giảm, điểm yếu càng lộ rõ.
Ông Hồ Quang Cua, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, có một định nghĩa khá chính xác: “Cánh đồng lớn nhưng nông hộ nhỏ”. Ở xã Viên Bình (Trần Đề, Sóc Trăng), cánh đồng mẫu lớn khoảng 1.700 ha mà có chừng 1.400 nông hộ.
TP Cần Thơ thí điểm cánh đồng mẫu lớn ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) với 400 ha cũng có tới 208 nông hộ.
Ở tỉnh Tiền Giang, sau một năm thực hiện “thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa”, triển khai được 626 ha, nhưng có đến 959 nông hộ.
Cánh đồng mẫu lớn bước đầu có thúc đẩy cơ giới hóa. Tuy nhiên, cũng mới chủ yếu ở khâu cày xới, thu hoạch, còn hàng loạt khâu khác vẫn bế tắc vì đồng ruộng manh mún.
Trong đó, những khâu có ý nghĩa quyết định nâng cao giá trị hạt lúa vẫn bế tắc là vận chuyển, sấy khô, kho tồn trữ. PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa nói: “Đồng ruộng manh mún, tập quán sản xuất nhỏ của người nông dân khó thay đổi”.
Mới lợi cho ai?
“Ông Huỳnh Kim Hải ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp), một kỹ sư cơ khí đang canh tác 8 ha lúa, nói: “Cánh đồng mẫu lớn chỉ có lợi nhiều cho doanh nghiệp mà ít lợi cho nông dân”.
Tóm lại, lợi nhuận phát sinh trong quá trình thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”, các Cty đang hưởng trọn mà nông dân chưa được đồng nào cả.
Theo ông Hải, ở huyện Tân Hồng thậm chí chưa có “cánh đồng mẫu lớn” vì doanh nghiệp ký hợp đồng với từng nông hộ, tạo thành những cánh đồng da beo lẫn lộn với những nông hộ khác.
“Ký hợp đồng riêng lẻ sẽ làm cho việc sấy lúa của doanh nghiệp dễ dàng khi nông dân thu hoạch, còn nếu ký từng tập đoàn thành cánh đồng lớn thì khi nông dân thu hoạch đồng loạt, doanh nghiệp không sấy lúa kịp”, ông Hải nói.
“Cánh đồng mẫu lớn” chủ yếu mới giúp cho doanh nghiệp bán vật tư nông nghiệp. Ông Hải cho biết, nông dân tham gia “cánh đồng mẫu lớn” có thể không nhận phân bón, nhưng phải nhận thuốc bảo vệ thực vật và lúa giống của doanh nghiệp.
Ông Hải phân tích với Cty Bảo vệ thực vật An Giang, doanh nghiệp đang ký nhiều hợp đồng với nông dân để xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”.
Nông dân phải nhận giống xác nhận từ Cty với giá 13.300 đ/kg, dù nông dân đủ trình độ sản xuất giống xác nhận từ giống nguyên chủng, nhưng không được phép.
Ông Hải tính, nếu nông dân được sản xuất lúa giống xác nhận, mỗi héc-ta chỉ tốn 170.000 đồng, trong khi phải mua giống từ Cty thì tốn gần 3,5 triệu đồng, gấp hơn 20 lần.
PV Tiền Phong nêu câu hỏi, nhưng khi nhận giống của Cty thì nông dân được hỗ trợ kỹ thuật để có lúa chất lượng cao và được Cty trực tiếp mua lúa, không qua thương lái.
Ông Hải trả lời: “Khi lúa có chất lượng cao thì Cty cũng bán được giá cao. Còn mua lúa không qua trung gian, lợi nhuận Cty hưởng chứ nông dân không được hưởng. Nông dân luôn được hứa mua lúa theo giá thị trường, là cái giá do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra. Tóm lại, lợi nhuận phát sinh trong quá trình thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”, các Cty đang hưởng trọn mà nông dân chưa được đồng nào cả”.
Đến lượt ông Hải nêu câu hỏi: Thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”, tại sao chỉ thấy các doanh nghiệp bán vật tư nông nghiệp (lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật) mà chưa thấy doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia? Có phải VFA đã có toàn quyền ấn định giá mua lúa và giá bán gạo xuất khẩu, tức là muốn để lợi nhuận đầu tấn bao nhiêu thì để, nên không phải tham gia cánh đồng mẫu lớn?