Bệnh nhi H.H.H. (5 tháng tuổi) sốt cao kèm tiêu chảy. Tại cơ sở y tế huyện, bé được chẩn đoán sốt do virus, được kê thuốc hạ sốt về nhà uống. Gần nửa tháng trôi qua, cháu H. không hết sốt.
Tại BV Nhi T.Ư, H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, tăng trương lực cơ, nôn nhiều. Bệnh nhi H. là điển hình của trường hợp nhập viện muộn dẫn đến các biến chứng nặng về tâm thần vận động và giãn não thất.
BS Nguyễn Văn Lộc - nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, nguyên nhân gây bệnh VMNM có thể là vi trùng hay siêu vi trùng, đứng đầu là Haemophilus Influenzae.
Haemophilus Influenzae là loại vi trùng gây nên hai phần ba trường hợp viêm màng não ở trẻ em. Bệnh thường xuất hiện sau khi vùng tai mũi họng bị viêm nhiễm, vi trùng đi vào màng não và gây VMNM.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ vào các thời điểm trẻ từ 2-4 tháng tuổi. Sau đó nhắc lại mũi thứ tư vào lúc trẻ từ 18-24 tháng tuổi.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh VMNM và bệnh viêm não Nhật Bản là hai bệnh khác nhau. Do đó, dù đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản, trẻ vẫn có thể bị VMNM.
Ngoài ra, VMNM thường đi vào máu rồi theo máu lên não khu trú. Mỗi năm trung bình BV Nhi T.Ư tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân VMNM.
Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp như sốt cao trên 39 độ C, sổ mũi, ho, tiêu chảy... Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn bệnh VMNM với các triệu chứng cảm cúm thông thường khác.
Khi bị VMNM, trẻ có kèm theo các biểu hiện như nôn, quấy khóc, khó chịu khi nằm, li bì, xuất hiện các dấu hiện rối loạn tri giác, thị giác.
PGS.TS Phạm Nhật An - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết bệnh thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi. Các biểu hiện đặc trưng gồm sổ mũi, cổ cứng, nhức đầu, sốt cao, nôn vọt thành vòi, đau đầu (trẻ chưa biết nói sẽ lắc đầu qua lại khi đau đầu), thóp phồng (với trẻ sơ sinh), ngủ li bì.
Trẻ dưới ba tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều. Bệnh VMNM lây qua đường hô hấp, dịch mũi, nước bọt.
Theo BS Lộc, nếu phát hiện bệnh muộn, dù điều trị khỏi bệnh, vẫn để lại những biến chứng như điếc, liệt, thần kinh, câm, ngớ ngẩn... Để điều trị khỏi VMNM, cần cho trẻ nhập viện sớm, dùng kháng sinh mạnh và phải nằm viện nhiều ngày.
Ba tháng, hơn 4.000 trường hợp mắc sởi
Ngày 26/3, PGS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết thời gian qua, dịch sởi giảm nhiều so với nửa cuối tháng hai.
Thống kê của Viện cho thấy cả nước ghi nhận 7.629 ca nghi sởi được tại 47 tỉnh, thành phố, trong đó khoảng 4.347 trường hợp dương tính với sởi.
Điều tra dịch tễ cho thấy dịch sởi năm nay vẫn ở quy mô nhỏ, mang tính tản phát; dịch có xu hướng lan nhanh ở nhiều tỉnh, nhưng chủ yếu tại các khu tập trung đông dân, đô thị, có dân số biến động; số người mắc sởi tập trung vào nhóm tuổi từ 15 đến 29 tuổi; trong đợt dịch vừa qua, rubella và sởi cùng xuất hiện, tập trung nhóm nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thái Hà