Cảnh báo vấn đề an ninh tại siêu thị Metro

TPO - Sau vụ siêu thị Metro Thăng Long bị mất trộm hơn 300 triệu đồng, theo Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), ngoài việc in ấn hóa đơn cho khách hàng không được quản lý chặt chẽ, khâu tuyển chọn, quản lý nhân viên cũng cần phải xem xét lại. 
Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm trao trả hàng hóa thu hồi được sau vụ trộm cho Giám đốc an ninh miền Bắc của Metro. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Sau khi Phạm Bằng Tâm (23 tuổi, trú xã Minh Quán, Trấn Yên, Yên Bái, sinh viên trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, nhân viên điều phối, giao hàng của siêu thị Metro Thăng Long) cùng các đối tượng liên quan trong vụ trộm cắp tài sản bị bắt giữ, cơ quan điều tra đã đưa ra nhiều cảnh báo cho lãnh đạo tập đoàn Metro.

Lợi dụng kẽ hở trộm cắp

Phạm  Bằng Tâm – chủ mưu, trộm cắp tài sản hơn 300 triệu đồng - khai nhận, tháng 11/2013, Tâm xin vào làm việc tại siêu thị Metro Thăng Long, được cử đến bộ phận Điều phối giao hàng của siêu thị.

Nhiệm vụ của Tâm là hàng ngày gom các đơn hàng của khách rồi in hóa đơn bán hàng, gom hàng trên các quầy hàng của siêu thị theo đơn rồi giao cho bộ phận vận tải chở hàng đến cho người mua.

Tại đây, Tâm quen biết nhân viên bảo vệ tên Tâm (hiện chưa xác định lai lịch). Sau đó, cả hai cùng bàn bạc và đồng ý lấy trộm hàng hóa, sản phẩm của siêu thị Metro Thăng Long. Cả hai trộm cắp được 3 lần thì bảo vệ tên Tâm nghỉ việc. Tổng số tiền cả hai trộm cắp được khoảng 5 triệu đồng.

Tiếp đó, Phạm Bằng Tâm lại bàn với Hồ Sỹ Mạnh, làm ở bộ phận vận tải của siêu thị, trộm cắp tài sản. Tâm lấy trộm hàng trên các quầy hàng sau đó đưa ra cửa của bộ phận vận tải và giao cho Mạnh mang đi bán.

Đến tháng 6/2014, Tâm phát hiện việc in được thêm hóa đơn bán hàng trong một đơn hàng. Theo quy định của siêu thị Metro, khi in hóa đơn bán hàng, nhân viên chỉ được in 2 liên, bán hàng liên 1 sẽ giao cho bộ phận kế toán, liên 2 giao cho khách.

Phạm Bằng Tâm in thêm một liên 2 nữa, giữ lại và quay lại siêu thị lấy hàng một lần nữa. Tâm giả vờ là người đi mua hàng mang về sử dụng hoặc là mua giúp người quen rồi mang hàng hóa ra khỏi siêu thị theo cổng hàng chính (cổng dành cho nhân viên siêu thị đi ra, đi vào siêu thị).

Theo điều tra, số lượng hàng hóa Tâm mang về nhà giá trị khoảng 10 triệu đồng.

Tâm khai nhận, thực hiện hành vi trộm cắp hàng hóa một mình. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2014 trở lại đây, Tâm thực hiện trót lọt rất nhiều vụ trộm cắp hàng hóa của siêu thị Metro Thăng Long nên không nhớ bao nhiêu lần.

Ngoài tâm, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Thụ, Đỗ Đăng Hoàn, cùng làm ở bộ phận điều phối giao hàng cũng đã khai nhận hành vi trộm cắp của siêu thị nơi các đối tượng làm việc.

Ngay sau khi làm rõ, Công an quận Bắc Từ Liêm đã thu giữ toàn bộ hàng hóa và số tiền 363 triệu đồng tiền đối tượng Tâm có được từ việc bán hàng hóa trộm từ siêu Thị.

Ban Giám đốc an ninh của Metro tại Việt Nam nghe Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm phân tích các sơ hở của siêu thị. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Cảnh báo

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho rằng, việc để xảy ra các vụ trộm cắp tại siêu thị Metro Thăng Long một phần do công tác an ninh của siêu thị còn nhiều sơ hở, tạo điều kiện cho chính những nhân viên của mình trộm cắp.

Các đối tượng trộm cắp sử dụng 2 phương thức chính: Nhân viên điều phối, giao hàng phối hợp bảo vệ để tuồn hàng ra ngoài; Nhân viên điều phối, giao hàng làm khống hóa đơn.

Việc giám sát an ninh cũng có nhiều sơ hở, đặc biệt là giám sát khâu in ấn hóa đơn bán hàng. Ngoài ra, cần siết chặt lại khâu tuyển chọn nhân viên, giáo dục chính trị, đạo đức cho họ.

“Siêu thị có 2 cửa ra vào, một cửa cho nhân viên, một cho khách hàng. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát ở cửa ra vào dành cho nhân viên cũng là kẽ hở để các nhân viên điều phối thông đồng với bảo vệ mang hàng trộm cắp ra ngoài”, Đại tá Tùng nói.