Bà đánh giá như thế nào về vai trò của chuyên gia kinh tế đối với các quyết sách của Chính phủ, cũng như trách nhiệm của họ đối với đất nước?
Tôi nghĩ các chuyên gia kinh tế lâu nay vẫn luôn cố gắng để đưa những nghiên cứu của mình gửi Chính phủ và các cơ quan của nhà nước, từ đó đưa ra những chính sách, quyết định đúng đắn hơn. Nhiều trường hợp, các sản phẩm nghiên cứu của chuyên gia chính là những đề án phát triển của Chính phủ.
Thực tiễn cho thấy, Chính phủ ngày càng lắng nghe nhiều hơn ý kiến của các chuyên gia thông qua kênh qua báo chí... Nhiều ý kiến của các viện nghiên cứu có uy tín cũng được Chính phủ chấp nhận về cơ bản. Tất nhiên, một mặt Chính phủ nghe các chuyên gia, mặt khác Chính phủ cũng lấy ý kiến các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Do vậy, nhiều trường hợp, báo cáo của chuyên gia đưa lên nhưng Chính phủ tiếp nhận và đưa ra văn bản cuối cùng lại đan xen ý kiến của các bộ, ngành.
Bản thân tôi nhiều khi thấy… tiếc vì sản phẩm nghiên cứu rất hay nhưng khi trở thành tài liệu, chính sách lại có những nhu cầu quản lý của các bộ, ngành khác “xen” vào. Nhiều khi, những ý kiến của các bộ ngành không hợp lý, có phần lấn át tư duy mong muốn cải cách của giới nghiên cứu, doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, một số chuyên gia kinh tế phát biểu, bày tỏ quan điểm nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm DN, một nhóm quan chức nào đó, hoặc nói theo cảm tính, bà thấy sao?
Tôi nghĩ việc đấy không thể tránh khỏi, vì các chuyên gia thường làm việc, nghiên cứu gắn với những ngành, lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, theo tôi, giới chuyên gia trước hết xuất thân là những người làm khoa học, nghiên cứu nên họ phải công tâm, thẳng thắn đối với tất cả các vấn đề, trung thực với tiếng nói của mình. Chẳng hạn, có rất nhiều người tâm huyết trong việc xây dựng, thực hiện luật DN, luật đầu tư, cải cách và dỡ bỏ rào cản cho DN phát triển nói chung, kể cả các DN nhỏ nhất, khó khăn nhất.
“Tôi rất thích được gọi là bà Phạm Chi Lan. Khi tôi có ý kiến cá nhân, nếu xã hội chấp nhận được thì đưa ra, không thì thôi. Việc gì cứ phải lấy chức danh của tôi từ thời ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong khi tôi nghỉ ở đó mười mấy năm rồi…”.
Bà Phạm Chi Lan
Trong quá trình phát triển của nước ta, đến giai đoạn nhất định sẽ hình thành các DN quy mô lớn hơn, mang tính chất đầu đàn trong các ngành, lĩnh vực khác nhau. Khối các DN lớn đó cũng có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Không thể phát triển nền kinh tế mà chỉ duy nhất dựa vào các DN nhỏ và vừa. Nhất là ở nước ta, DN lớn sau này đa số là các DN của nước ngoài vào nhiều; Cùng với đó là các DN Nhà nước đã tồn tại từ trước, vốn là những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, được hưởng nhiều ưu đãi. Họ sử dụng cực kỳ nhiều nguồn lực của đất nước nhưng kém hiệu quả.
DN đầu tư nước ngoài cũng vậy, được hưởng rất nhiều ưu đãi của nước ta. Nếu như vậy, DN tư nhân, DN nhỏ và vừa trong nước không bao giờ lớn lên được. Vì vậy, khi hình thành một số DN tư nhân lớn, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng Nhà nước cần ủng hộ họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo Nhà nước cẩn thận, không thì những DN tư nhân lớn này sẽ trở thành những nhóm thân hữu. Tức họ cũng lại đi theo con đường của DN Nhà nước, của DN đầu tư nước ngoài như chạy chọt để được ưu đãi nọ kia, đi tìm ô dù, hoặc gắn với DN Nhà nước...
Ảnh: Như Ý.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam còn thiếu vắng những chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu lý thuyết, chủ yếu là những chuyên gia thực hành?
Tôi cho rằng, đội ngũ chuyên gia kinh tế ở Việt Nam hiện nay rất ít, chỉ hơn 100 người. Ðấy đều là những gương mặt quen thuộc, hay lên tiếng và nghiên cứu nhiều nhất. Nhiều người là những chuyên gia, những nhà khoa học thực thụ. Họ nghiên cứu nhiều cả về lý thuyết và thực tế. Có một số người được xã hội phong chứ thực tế họ cũng không phải là chuyên gia, nhà khoa học. Bản thân tôi cũng vậy! Tôi không dám nhận mình là chuyên gia vì tôi không có bằng Tiến sĩ, không đi nghiên cứu khoa học nhưng tôi lên tiếng từ thực tiễn quá trình làm việc với nhiều DN, nghiên cứu nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Tôi rất sợ những người lý thuyết suông.
Số lượng chuyên gia kinh tế độc lập hiện nay ở Việt Nam khoảng bao nhiêu, thưa bà? Có phải họ chịu nhiều thiệt thòi vì không được tiếp cận nhiều tới các nguồn thông tin hoặc số liệu quan trọng của Nhà nước?
Tôi không biết, bởi ngay cả chức danh “Chuyên gia kinh tế” nhiều khi do báo chí gọi cho tiện. Bản thân những người làm nghiên cứu độc lập cũng không dám tự phong mình là chuyên gia. Phần nhiều họ trước đây từng làm việc chỗ nọ, chỗ kia, sau đó nghỉ nhưng vẫn tiếp tục đam mê nghiên cứu, muốn đóng góp ý kiến cho xã hội. Khi họ lên tiếng, báo chí bao giờ cũng đòi hỏi một danh xưng nào đó chứ không chấp nhận là một cá nhân.
Còn tôi rất thích được gọi là bà Phạm Chi Lan. Khi tôi có ý kiến cá nhân, nếu xã hội chấp nhận được thì đưa ra, không thì thôi. Việc gì cứ phải lấy chức danh của tôi từ thời ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong khi tôi nghỉ ở đó mười mấy năm rồi. Nước mình vẫn nặng nề quá khi đòi hỏi phải có một chức danh thì ý kiến của người đó mới có giá trị. Thực tình mà nói, tôi rất muốn, sau khi tôi về hưu rồi thì trở thành một công dân bình thường.
Xin cảm ơn bà!
Theo bà Phạm Chi Lan, vụ “Quán cà phê Xin chào” là một điển hình cho việc các cơ quan Nhà nước bênh nhau. Một quan chức bị kỷ luật thì những người chức quyền khác lại đánh tiếp ông chủ quán cà phê như một đòn trả thù vì làm quan chức kia mất mặt. Chẳng qua, đây chỉ là một vụ việc điển hình, nổi lên vì nhờ báo chí phanh phui, được đích danh Thủ tướng yêu cầu xử lý đến nơi đến chốn.