Liên tiếp sập bẫy
Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, đơn vị đã cùng với Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA) làm việc với các ngân hàng bên bán, các hãng tàu và hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL. Mục tiêu của cuộc làm việc là để nắm chắc thông tin và trách nhiệm các bên liên quan đến 3 công ty Việt Nam có nguy cơ mất gần nửa triệu USD khi xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu và quế cho một đối tác ở Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Theo VINACAS, những thủ đoạn lừa đảo trong giao thương rất đa dạng, như: Giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ (thậm chí là giấy tờ ngân hàng) để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên DN đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì “hack” (gian lận), email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất...
Cụ thể, Công ty T.M (thành viên của VINACAS) đã ký hợp đồng bán nhân điều cho một công ty ở Dubai và đã ứng 15% tiền mua hàng. Công ty đã giao hàng và ngày 24/6/2023 hàng đã đến cảng Jebel Ali, UAE. Sau đó, phía mua hàng đã nhận và trả container rỗng vào ngày 27/6/2023. Tuy nhiên, Công ty T.M vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng. Mặc dù ngân hàng Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện. Ngoài Công ty T.M còn có 2 doanh nghiệp (DN) trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.
Đây không phải là lần đầu DN xuất khẩu điều gặp tình trạng lừa đảo. Trong năm 2022, vụ lừa đảo 74 container điều xuất sang Italy đã gây chấn động thị trường xuất khẩu nhưng nhờ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nên đã kịp thời gỡ khó cho DN.
Cũng trong năm 2022, một DN Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một DN đặt tại Nam Phi. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng của Algeria, khách hàng là Công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan. Công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các DN gian lận thương mại trước đó. ATS Food được cho là mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng. Theo quy định, hàng hóa nằm tại cảng trong thời gian quy định kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà không có DN đủ điều kiện nhận hàng thì hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ.
Đủ cách lừa đảo
Tại buổi sơ kết hoạt động ngành điều 6 tháng đầu năm 2023 vào chiều 26/7 tại TPHCM, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực VINACAS cho biết, Dubai là thị trường trung gian, làm đầu mối cho hàng hóa đi châu Âu và châu Phi. Mỗi năm, Dubai đều tổ chức hội chợ thực phẩm nổi tiếng nhất thế giới. Hầu như tất cả DN liên quan tới thực phẩm đều tham dự sự kiện này. Hội chợ tập trung cả người mua và người bán hàng. DN Việt Nam cũng tham gia hội chợ vào tháng 2/2023 tại Dubai. Tại đây, DN ký kết đơn hàng với đối tác Dubai và xuất khẩu 1 container điều rất suôn sẻ vào tháng 4/2023. Tới tháng 6, DN Việt tiếp tục đưa thêm một container thì gặp sự cố mất hàng.
Cũng theo ông Nhựt, hầu hết các DN xuất khẩu đều có thâm niên trên 20 năm, đã giao dịch rất nhiều đơn hàng và đa số đều an toàn. Do đó, sự cố này xảy ra với tỉ lệ rất nhỏ. Đây là điều không ai ngờ. Nguyên nhân “sập bẫy” lừa đảo là DN thường bán hàng thông qua môi giới, đồng thời liên quan đến phương thức thanh toán. Ông Nhựt nói rằng, thanh toán bằng phương thức thư tín dụng (L/C) là an toàn nhất. L/C muốn phát hành phải do một tổ chức có uy tín, có khả năng đảm bảo thanh toán, bảo lãnh những khoản mua bán có giá trị, nhằm tạo sự an tâm cho người mua và người bán. “Tuy nhiên, bất kỳ DN nào đặt yêu cầu mua bán với khách hàng bằng hình thức L/C cũng đều bị từ chối. Hình thức này chỉ có thể áp dụng khi mua bán với số lượng rất ít. Hiện nay, tất cả các sự cố xảy ra đều không có DN nào thực hiện L/C, không có sự thỏa thuận giữa người mua và người bán...”, ông Nhựt cho hay.
Đại diện VINACAS khuyến cáo, để tránh rủi ro bị lừa đảo khi xuất khẩu, DN cần: Tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty...; Đồng thời nhờ các đại sứ quán của Việt Nam tại nước sở tại thẩm tra, xác minh các thông tin này.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Đáng lưu ý, hình thức lừa đảo phổ biến nhất là DN nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán T/T (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức thường xảy ra nhiều rủi ro nhất.