Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; Dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam, nhằm xác định các rủi ro về gian lận thương mại.
Việc kiểm tra áp dụng cả với các quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nhằm đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 5,66 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 với gần 80% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam cũng phải chi 1,44 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018 để nhập khẩu gỗ và nguyên liệu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam. Các thị trường Việt Nam nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng mạnh là: Ý (tăng gần 70%), Lào (tăng 48%) và Trung Quốc (tăng gần 13%).