Cẩn trọng với máy nghe nhạc
Chiếc máy nghe nhạc tưởng chừng vô hại lại có thể gây ra nguy cơ giảm thính lực, thậm chí dẫn đến mất thính giác nếu người sử dụng nó trở nên quá lạm dụng.
Theo cảnh báo từ các bác sĩ tai mũi họng, hầu hết máy nghe nhạc hiện nay có công suất nghe lên đến 120 decibel, tương đương âm thanh của máy cắt cỏ hay máy cưa, nên gây ra áp lực âm thanh trực tiếp cho màng nhĩ khá lớn. Do đó nếu nghe nhạc liên tục trong nhiều giờ liền với âm thanh lớn quá mức đập trực tiếp vào màng nhĩ thì quá trình giảm thính lực sẽ diễn ra nhanh hơn. Thường thì triệu chứng hay gặp là thấy lùng bùng trong lỗ tai hoặc nghe những âm thanh khác bị tắc nghẽn sau khi nghe nhạc. Sau đó lần lượt tới các triệu chứng như ù tai, nhức đầu..., báo hiệu khả năng mất thính giác.
Tuy nhiên, có nhiều người không cảm thấy việc giảm thính lực xảy ra tức thời nên rất chủ quan. Hơn nữa do quá trình giảm thính lực xảy ra từ từ và diễn tiến âm thầm nên khi phát hiện thì đã muộn, nhiều người đành phải chịu đựng tình trạng điếc vĩnh viễn.
Dưới đây là một số lời khuyên từ các bác sĩ nhằm hạn chế nguy cơ mất đi thính giác từ máy nghe nhạc:
- Không vặn volume hết mức nghe, chỉ nên vặn dưới 60% volume.
- Không nên nghe nhạc trong khoảng thời gian dài quá 1 giờ mỗi ngày.
- Nên nghe nhạc bằng loại headphone chụp ngoài vành tai, không nên nghe bằng loại headphone nhét vào trong tai. Tuy nhiên, nếu nghe quá lớn và quá thường xuyên thì loại nào cũng gây ảnh hưởng đến thính lực.
- Không nên nghe nhạc trong điều kiện quá ồn ào vì thường phải vặn volume lớn hơn.
- Nếu nghe nhạc to đến mức người ngồi xung quanh nghe được hoặc phải nói to hay hét lên khi trả lời ai thì đó là dấu hiệu nghe nhạc quá lớn. Cần điều chỉnh lại mức âm lượng vừa phải.
- Không nên ngủ quên với headphone còn đeo trên tai.
- Nên chủ động đến bác sĩ để được khám sớm nếu phát hiện tình trạng lùng bùng hay ù tai sau khi nghe máy MP3 nhằm ngừa tình trạng điếc vĩnh viễn.
Theo Anh Khoa
Báo Thanh Niên