Cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phục hồi trên quy mô rộng

TP - Tỷ lệ tiêm chủng cao cùng với khả năng điều trị tích cực đã mở ra một tương lai tươi sáng hơn trên toàn cầu mặc dù đại dịch chưa hoàn toàn đi qua. Tuy nhiên, đối với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, mối đe dọa về sức khỏe lại được thay bằng khó khăn về kinh tế.

Đó là ý kiến của bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Theo bà Winnie Wong nhiều hoạt động hỗ trợ ứng phó với tác động của Covid-19 đã được triển khai rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực. Song, các hoạt động này có nguy cơ không còn phù hợp với quy mô của đại dịch, mà đòi hỏi phải có những cách thức hỗ trợ khác có thể tạo ra nhiều tác động hơn với cùng hoặc ít nguồn lực hơn.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc với các chính phủ và tập đoàn tiên phong giúp cải thiện hiệu quả thương mại xuyên biên giới ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, bà Winnie Wong cho rằng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phục hồi, tạo ra cơ hội bình đẳng và thịnh vượng cho các nền kinh tế, bằng cách áp dụng 2 mục tiêu ưu tiên chính, bao gồm: tận dụng công nghệ để kiểm tra và học hỏi trong thời gian thực, đồng thời chấp nhận một tỷ lệ rủi ro - lợi ích trong một thời gian dài.

Tận dụng công nghệ để trao quyền cho doanh nhân

Công nghệ số và dữ liệu thời gian thực cung cấp thông tin quan trọng cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ để duy trì khả năng cạnh tranh. Để tối ưu hóa tiềm năng này cần có các chương trình đào tạo số dễ dàng tiếp cận, dễ hiểu và thực tế.

Tại Việt Nam, Mastercard hợp tác với các đối tác để trao cho hàng triệu chủ doanh nghiệp nhỏ những kỹ năng và kiến thức cần thiết để mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm. Ví dụ, thông qua Ignite - một chương trình do CARE tổ chức và được Trung tâm Tăng trưởng toàn diện Mastercard hỗ trợ, chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo tổng hợp cho nữ doanh nhân để họ có thể xây dựng kỹ năng số, củng cố phương thức kinh doanh, xin lời khuyên cố vấn cũng như mở rộng quan hệ.

Tuy vậy, chỉ công nghệ thôi chưa đủ vì không thể tránh khỏi có những tình huống quá phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ trực tiếp. Áp dụng các nguyên tắc phát triển sản phẩm, chúng tôi đã sử dụng cách tiếp cận thử nghiệm và học hỏi để tạo ra dữ liệu cho phép tìm hiểu và xoay chuyển nhanh hơn, đồng thời đánh giá thời điểm cần hỗ trợ trực tiếp bổ sung. Việc này giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, từ hàng chục nghìn đến hàng triệu doanh nghiệp nhỏ.

Chấp nhận rủi ro

Theo kết luận của Ngân hàng Thế giới, nhiều chương trình phát triển đã không thể nắm bắt được tác động thực vì có khung thời gian đo lường được quá ngắn. Với việc ứng dụng công nghệ mới, chúng tôi trao quyền cho chủ doanh nghiệp nhỏ để đánh giá và triển khai những gì phù hợp nhất với khẩu vị rủi ro của họ. Sự sẵn có của dữ liệu cùng với thông tin định tính có thể thúc đẩy hiểu biết của chúng ta về cách doanh nghiệp nhỏ chuyển từ tồn tại sang tăng trưởng - đồng thời giúp xác định lại thời điểm và cách thức xác định thành công của chương trình.

Khi phục hồi hậu COVID-19, chúng ta phải kiên định với cam kết mở rộng các giải pháp ngay từ đầu. Chúng ta cần phải đổi mới, xây dựng dựa trên kiến thức tập thể đồng thời chấp nhận sự mơ hồ và rủi ro đi kèm khi thử nghiệm điều mới.

Hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải đối mặt với một quyết định cấp bách. Liệu chúng ta có bị thúc ép bởi nỗi sợ trước thất bại và việc mở rộng các chương trình hỗ trợ hiệu quả trên quy mô nhỏ không? Hay là chúng ta sẽ thể hiện sự táo bạo và xây dựng các giải pháp không hoàn hảo để tận dụng công nghệ theo những cách mới, chưa từng được thử nghiệm? Chỉ có điều sau mới cho phép giúp hàng triệu doanh nghiệp nhỏ phát triển trong một thế giới đã thay đổi hoàn toàn do COVID-19.