Dữ liệu Việt đang được nước ngoài khai thác mạnh mẽ
Chia sẻ về những khó khăn mà startup AI gặp phải, anh Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Infore Technology cho biết, khó khăn đầu tiên là dữ liệu lớn. Nếu không có nguồn dữ liệu lớn, không thể thống kê ra tính chất của đối tượng, từ đó tìm ra những quy luật để phát triển sản phẩm AI. Một khi có nguồn dữ liệu lớn rồi còn cần đội ngũ thẩm tra, dán nhãn dữ liệu để phân loại, làm tinh gọn dữ liệu. Việt Nam chưa có đội ngũ này.
Anh Thành chia sẻ thêm, dữ liệu của người Việt Nam đang được thu thập từng ngày, từng giờ thông qua các hoạt động của người dùng trên internet. Tuy nhiên, phần lớn các ứng dụng mà người Việt sử dụng là của nước ngoài. Vì thế, dữ liệu của người Việt được các công ty nước ngoài thu thập, xử lý.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo so sánh, dữ liệu chính là nguồn nhiên liệu mới thay thế dầu mỏ và than đá. Trí tuệ nhân tạo được coi là công cụ để khai thác nguồn nhiên liệu đó. Thông qua kết nối và số hóa, nhân loại đang sống trong một thời đại sản sinh ra một nguồn dữ liệu khổng lồ, bằng hàng nghìn năm trước cộng lại. Dữ liệu đó là nguyên liệu thô để từ đó lấy ra được thông tin, tri thức tạo ra các sản phẩm phục vụ lại cuộc sống của con người. Đó chính là chỗ chúng ta dùng trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển của doanh nghiệp AI phụ thuộc nhiều vào nguồn dữ liệu. Hàng ngày, người Việt tạo ra dữ liệu khổng lồ cho Facebook, Google. Đến lúc nào đó, các startup của chúng ta muốn dùng dữ liệu đó phải trả phí. Vì vậy, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển dữ liệu.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, cuộc chiến đầu tiên trong AI sẽ là cuộc chiến về dữ liệu. Các startup có tư duy toàn cầu luôn tìm cách tiếp cận với tất cả những nguồn dữ liệu mở. Theo ông Quất, thế mạnh của chúng ta sẽ là dữ liệu chuyên ngành, của riêng Việt Nam. Tuy nhiên, những dữ liệu này lại phân tán do nhiều bộ, ngành quản lý và có những quy định bảo mật. Ông Quất cho biết, nếu như nguồn dữ liệu này như dữ liệu về dân cư, dữ liệu đất đai, thổ nhưỡng có độ mở nhất định để các startup tiếp cận, phục vụ nghiên cứu phát triển thì đó sẽ là nguồn tài nguyên vô giá.
Khe cửa nào cho startup trí tuệ nhân tạo?
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, nhìn mặt bằng so với thế giới, Việt Nam không có lợi thế về nhân lực, dữ liệu công khai, hạ tầng tính toán. Tuy nhiên, chúng ta có một cánh cửa riêng để phát triển đó là hệ thống dữ liệu chuyên ngành như y tế, nông nghiệp, du lịch. Đây là những lĩnh vực chúng ta có kho dữ liệu riêng, với tính chất đặc thù, chẳng hạn như nông nghiệp là lĩnh vực có tính phi tiêu chuẩn và địa phương hóa rất cao, hay trong y tế, chúng ta có kho dữ liệu khổng lồ. PGS Hoài kể, đối tác của ông ở nước ngoài từng rất bất ngờ về khối lượng dữ liệu khổng lồ trong y tế ở Việt Nam, dữ liệu thu nhập trong một ngày ở Việt Nam có thể bằng đối tác thu thập trong 2-3 năm ở quốc gia họ.
Tuy nhiên, theo PGS Hoài, ngay cả kho dữ liệu chuyên ngành này của Việt Nam cũng đang bị các công ty, tổ chức nước ngoài nhòm ngó. Hiện nay rất nhiều các tổ chức nghiên cứu y tế muốn vào tài trợ cho Việt Nam với mục đích chính là thu thập dữ liệu y tế. Vì thế, Việt Nam cần một cơ chế bảo vệ nguồn tài nguyên dữ liệu này.
Ngoài ra, theo PGS Hoài, cùng với việc xây dựng dữ liệu lớn, những startup AI phải am hiểu vấn đề chuyên ngành mà họ hướng tới. “Làm giải pháp AI cho một lĩnh vực nào đó mà không am hiểu sâu về lĩnh vực đó thì sản phẩm sẽ không có tính hiệu quả. Sản phẩm tốt phải xuất phát từ sự am hiểu chuyên ngành và nhu cầu thực tế”, ông Hoài nói.
Các startup cũng cần sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và công nghệ nếu muốn làm về AI. “Nếu startup chưa có chuẩn bị kỹ lưỡng, khó có thể làm về lĩnh vực AI. Đương nhiên, muốn startup cần nhiều yếu tố khác nhau như tư duy kỹ thuật, tìm kiếm thị trường…”, PGS Hoài chia sẻ.
Theo ông Phạm Hồng Quất, các startup AI của Việt Nam nên xuất phát từ các nhu cầu thực tế. Các bài toán toàn cầu xuất phát từ một nhóm rất nhỏ startup, chủ yếu là các du học sinh, những người có trải nghiệm và kinh nghiệm. “Còn startup trong nước có thể hướng đến giải quyết những vấn đề rất nhỏ, xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, của địa phương”, ông Quất nói.
Xây dựng hành lang pháp lý cho startup Việt
Trước những rủi ro pháp lý có thể xảy ra với startup Việt khi phát triển các sản phẩm mới? Ông Phạm Hồng Quất, Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, đơn vị này đang tiến hành tổng hợp các đề xuất từ các startup, địa phương để chuyển cho các bộ, ngành liên quan. Từ đó đề xuất các cơ chế đặc thù lên Thủ tướng. Theo ông Quất các chính sách này có thể được ban hành từ 2019, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các startup Việt.
Ông Quất cho biết thêm, Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất đang được đề xuất xây dựng (trước mắt đặt tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng). Đây sẽ là không gian để các startup có điều kiện thuận lợi về nhân lực, cơ sở vật chất, hành lang pháp lý và thị trường.