Cận cảnh Hạm đội Nam Hải Trung Quốc
Những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung hiện đại hóa hải quân rất rầm rộ.
Trong đó, Hạm đội Nam Hải, một trong ba hạm đội của hải quân nước này, đã nhận được sự đầu tư rất lớn. Đây là lực lượng chính của Trung Quốc đảm trách khu vực biển Đông; nhiều sự kiện, sự cố liên quan tới ổn định biển Đông trong thời gian qua đều có “bóng dáng” của hạm đội này.
Mới đây, PV đã có dịp tới căn cứ Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi đặt sở chỉ huy và cũng là một trong những quân cảng quan trọng của Hạm đội Nam Hải. Chúng tôi đã có dịp quan sát, tìm hiểu khá kỹ về quân cảng này cũng như một số tàu quân sự đậu tại đây.
Chúng tôi xin cung cấp tới bạn đọc “cái nhìn từ bên trong” về một lực lượng có quan hệ rất lớn đến tình hình biển Đông, qua đó để hiểu thêm về hoạt động hải quân của quốc gia láng giềng.
Bên cạnh căn cứ Trạm Giang, Hạm đội Nam Hải còn có căn cứ tại Quế Bình (Quảng Tây), Lăng Thủy, Hải Khẩu, Tam Á (Hải Nam); trong đó Tam Á là nơi đóng quân của lực lượng tàu ngầm.
Chùm ảnh của Thanh Niên Online:
Trong ảnh là khinh hạm Hoàng Sơn 570 thuộc lớp Giang Khải II. Loại tàu chiến này có lượng choán nước 4.100 tấn, trang bị giàn 32 ống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng HQ-16 trên boong mũi; giữa thân tàu là hai giàn tên lửa đối hạm YJ-803 với tổng cộng 8 ống phóng; bên trong thân tàu có các ống phóng ngư lôi. Tàu còn có hệ thống gây nhiễu, súng pháo, hệ thống phòng không tầm gần, pháo phản lực… Hoàng Sơn 570 trang bị 4 động cơ diesel, nên có điểm yếu về khả năng tăng tốc và tốc độ cực đại cũng không cao. Khẩu hiệu của tàu Hoàng Sơn “Thính đảng chỉ huy - Bất nhục sứ mệnh - Tinh võ lượng kiếm - Kiến công quốc gia” (Tạm dịch: Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, luôn hoàn thành sứ mệnh, trau giồi bản lĩnh để lập công cho quốc gia). Thời gian gần đây, tàu 570 hoạt động ở biển Đông rất thường xuyên và cũng từng đi chống cướp biển ở vịnh Aden ở Đông Phi. Trong ảnh, chếch về bên trái là 3 tàu đổ bộ đời mới thuộc lớp Ngọc Châu (Yuzhao), các tàu mang tên Côn Lôn Sơn, Kim Cương Sơn và Trường Bạch Sơn, là tên các dãy núi.
Giàn 32 ống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng HQ-16 trên boong mũi tàu Hoàng Sơn 570.
Giàn phóng 4 tên lửa đối hạm YJ-803. Tàu thuộc lớp Giang Khải II thường có hai giàn phóng hai bên thân, mỗi giàn 4 ống. Các loại tên lửa này do Trung Quốc sản xuất mô phỏng theo tên lửa của Nga và châu Âu.
Sân đáp và nhà chứa trực thăng trên tàu Hoàng Sơn 570 có thể chứa 1 trực thăng Ka-28 hoặc Z-9.
Tàu đổ bộ thuộc lớp Ngọc Châu, lượng choán nước 28.000 tấn, dài 210 mét, rộng 28 mét. Tàu có thể chở theo 4 xuồng con đổ bộ, 15-20 xe bọc thép, 500 - 800 quân, 4 trực thăng Z-8. Tàu cũng được trang bị một số súng pháo cơ bản. Gần đây, có tin Hải quân Malaysia muốnmua một tàu đổ bộ loại này của Trung Quốc, với sự cải biến đáng kể, trong đó độ choán nước giảm xuống còn 13.000 tấn. Theo chuyên trang quốc phòng Globalsecurity.org, lý do Malaysia muốn mua tàu lớp Ngọc Châu đó là giá rẻ, chỉ bằng 1/3 giá của tàu cùng cấp lớp San Antonio do Mỹ sản xuất; tất nhiên chất lượng cũng không thể bằng tàu Mỹ..
Tàu 171 là khu trục hạm lớp Lan Châu (hay Lữ Dương II); dài 155 mét, rộng 17 mét; choán nước 7.000 tấn. Hiện Trung Quốc có 3 chiếc lớp này đang hoạt động (2 thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải và 1 thuộc Hạm đội Đông Hải) và 2 chiếc khác đang chạy thử nghiệm. Đây là lớp khu trục hạm lớn nhất và hiện đại nhất đang hoạt động của Trung Quốc hiện nay. Trong hình, bên cạnh 171 là tàu chiến 571, cùng lớp với tàu Hoàng Sơn 570..
Tàu khu trục lớp Lữ Hải số hiệu 167; dài 153 mét, rộng 16,5 mét; choán nước 6.100 tấn.
Khinh hạm số hiệu 568, cùng lớp Giang Khải II với tàu Hoàng Sơn 570. Phía sau tàu này là hai khu trục hạm Lữ Đại đậu song song.
Hai tàu khu trục thuộc lớp Lữ Đại; choán nước 3.700 tấn. Bắt đầu được biên chế vào quân đội từ năm 1971, đây là lớp tàu khu trục khá cũ và hiện đang dần cho “về hưu”.
Theo Đỗ Hùng - Tấn Tú
Thanh Niên
Theo Đăng lại