Khi thấy các kẽ ngón chớm bị ngứa đỏ, không nên gãi nhiều, móng tay sắc và bẩn có thể làm sây sát chỗ ngứa, gây nhiễm khuẩn khó chữa thêm.
Nếu gia đình có người bị “nước ăn chân” cần phải cách ly không để lây nấm sang người khác. Lưu ý không đi vớ, đi giày, dép chung với người bệnh.
Nên chọn loại tất có chất liệu thấm hút tốt, và nên thay tất ít nhất 2 lần mỗi ngày. Nên giặt tất với nước nóng để "tiêu diệt" vi khuẩn.
Không nên đi giày suốt cả ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên phơi giày dưới ánh nắng mặt trời để loại trừ những loại vi khuẩn gây bệnh. Thói quen này sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi bị nấm chân cũng như chứng nước ăn chân viếng thăm.
Khi ngâm chân lâu trong nước bẩn, đặc biệt sau đợt lụt vừa rồi thì chắc chắn không ít người sẽ bị "nước ăn chân". Tuy nhiên, chỉ bằng những bài thuốc cực kỳ đơn giản và dễ tìm sẽ giúp bạn khắc phục được phiền toái này.
Bài 1: Lấy 10 lá trầu không đun sôi với nửa lít nước, để nguội, cho một cục phèn chua to bằng đầu ngón tay cái, đánh tan. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón chân bị loét ngứa. Sau đó có thể kết hợp bôi thêm các loại thuốc mỡ sát khuẩn.
Bài 2: Dùng một cục phèn chua nhỏ ngâm với một ít nước cho tan ra rồi ngâm chân, sau đó lau khô. Phèn chua có tác dụng làm khô, chống ngứa và sát trùng.
Bài 3: Lá kim ngân 1 nắm, sắc đặc với nước rồi ngâm rửa chân. Mỗi ngày làm từ 2-3 lần.
Bài 4: Rau sam tươi lấy phần cây trên mặt đất, khoảng 50-100g tươi, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm. Mỗi ngày làm một lần. Làm nhiều lần, chỗ loét khô se lại và hết ngứa.
Bài 5: Lấy cây cóc mẳn phần trên mặt đất 50g, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm và lấy bã thuốc nhét vào các kẽ chân băng lại. Mỗi ngày làm một lần đến khi khô da và hết ngứa.
Bài 6: Lá chè xanh và lá phèn đen, mỗi thứ 30g, nấu nước đặc, ngâm rửa chân trong 5-10 phút. Rồi lấy quả cà dại hoa trắng, lá lốt, mỗi thứ 20 g, giã nát, thêm ít nước, dùng bông thấm thuốc bôi vào những kẽ nứt nẻ.
Bài 7: Gừng cũng là một "vị thuốc" rất hữu hiệu trong việc điều trị chứng nước ăn chân. Hãy đun sôi một nồi nước, và đập nhỏ một nhánh gừng cho vào nồi nước sôi, đun tiếp 20 phút nữa. Đợi cho nước nguội, dùng nước đó để ngâm chân 2 lần/ngày.
Cần chú ý, giữ chân sạch, nhất là các kẽ ngón chân là nơi thường ẩm và bẩn, rất thuận lợi cho bệnh phát triển. Sau khi lội nước bẩn phải rửa chân kỹ bằng nước sạch, rồi lau khô bằng khăn sạch, đặc biệt chú ý các kẽ ngón chân, không để bẩn và ẩm ướt. Nên rửa tay sau khi chạm vào chân, để tránh lây lan ra những vùng khác trên cơ thể. Không dùng móng tay gãi ngứa vì thể thể làm xây xước chỗ ngứa, dễ nhiễm khuẩn.
- Có thể dùng miconazole (dạng bột, kem) 2%; ketoconazol dạng kem 1% để bôi ngoài. Nếu bị bội nhiễm bàn ngón chân (sưng, nóng), cần điều trị kháng sinh toàn thân kết hợp thuốc dùng ngoài theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bị bội nhiễm với biểu hiện kẽ chân lở loét, nóng, đỏ, có mủ,… người bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị hiệu quả.