Cách dùng đại táo chữa thiếu máu

Đại táo, còn gọi là táo tàu, táo đen, hồng táo, có tên khoa học là Zizyphus jujuba Lamk, là một vị thuốc rất thông dụng trong y học cổ truyền ...
Ảnh minh họa: Internet

Theo dược học cổ truyền, đại táo vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần, thường được dùng để chữa rất nhiều bệnh, trong đó có chứng thiếu máu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể dẫn ra một vài ví dụ điển hình.

Bài 1: đại táo 20 quả, xương ống chân dê 2 cái, gạo nếp lượng vừa đủ. Đại táo rửa sạch, dùng dao khía dọc, xương dê chặt nhỏ, hai thứ đem ninh với gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, 15 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: dưỡng khí sinh huyết, kiện tỳ dưỡng vị, dưỡng can ích thận, thường được dùng để phòng chống chứng thiếu máu.

Bài 2: đại táo 15 quả, mộc nhĩ đen 30g, đường phèn lượng vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch, thái nhỏ; đại táo rửa sạch, bỏ hạt. Hai thứ đem nấu chín rồi chế thêm một chút đường phèn, ăn nóng. Công dụng: đại bổ khí huyết, dưỡng can ích thận, kiện tỳ dưỡng vị, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.

Bài 3: đại táo 10 quả, hải sâm 50g, xương lợn 200g. Đại táo rửa sạch, bỏ hạt; xương lợn chặt nhỏ. Tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Mỗi ngày dùng 1 thang, 10 ngày là 1 liệu trình, giữa 2 liệu trình cách nhau 4 ngày. Công dụng: đại bổ khí huyết, kiện tỳ dưỡng vị, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.

Bài 4: đại táo 50g, đậu xanh 50g, đường đỏ lượng vừa đủ. Đại táo rửa sạch, dùng dao khía dọc; đậu xanh đãi kỹ. Hai thứ đem ninh nhừ rồi chế thêm đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: đại bổ khí huyết, kiện tỳ dưỡng vị, ích thận dưỡng can, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.

Bài 5: đại táo 10 quả, da lợn 100g, gân chân lợn 15g. Da lợn rửa sạch, thái miếng; đại táo bỏ hạt, cho cả ba thứ vào ninh thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: đại bổ khí huyết, thông kinh hoạt lạc, bổ dưỡng ngũ tạng, dùng để chữa chứng thiếu máu.

Bài 6: đại táo 20g, đẳng sâm 30g, hoài sơn 30g, long nhãn 30g, hoàng kỳ 30g, phục linh 30g, cam thảo 10g, bạch truật 20g, kỷ tử 20g, sơn thù 15g, đương quy 15g, mật ong 200g. Đem tất cả các vị thuốc sắc kỹ với 1.000ml nước, lấy 500ml rồi cho mật ong vào cô nhỏ lửa thành dạng cao đặc. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20ml. Công dụng: đại bổ khí huyết, ôn bổ ngũ tạng, dưỡng can ích tỳ, sinh huyết dưỡng huyết, dùng để phòng chống chứng thiếu máu rất hữu hiệu.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, đại táo có giá trị dinh dưỡng rất cao. Ước tính, cứ 100g đại táo có chứa 1,2g protid, 23,2g glucid, 0,2g lipid, 14mg Ca, 23mg P, 0,5g Fe, 0,01mg vitamin A, 0,06mg vitamin B1, 540mg vitamin C. Theo tính toán, lượng vitamin C trong đại táo tươi cao gấp 16 lần long nhãn tươi, 26 lần lệ chi tươi (quả vải) và 82 lần bình quả tươi (loại táo to nhập khẩu từ châu Âu hoặc Trung Quốc). So với nho khô, lượng đạm, các vitamin và nguyên tố vi lượng cao gấp nhiều lần. Vì vậy, đại táo được mệnh danh là “đệ nhất” trong các sản phẩm “đại tư bổ”, có khả năng “bổ trung ích khí, kiên chí cường lực”. Vậy nên, việc đại táo có tác dụng sinh huyết dưỡng huyết, được dùng để phòng chống chứng thiếu máu là điều dễ hiểu.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Theo Sức khỏe & Đời sống