Các mẫu đất mang từ tiểu hành tinh Ryugu có dấu hiệu của sự sống?

TPO - Các nhà khoa học đã tìm thấy vi khuẩn đang sinh sống trên một mẫu đá thu thập được từ tiểu hành tinh Ryugu cách Trái đất 200 triệu dặm.

Mẫu vật thu thập được từ tiểu hành tinh Ryugu bởi tàu vũ trụ Hayabusa2. (Ảnh: Yada, Nature Astronomy)

Mẫu vật này là một phần của khối đá nặng 5,4 gram mà tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản đã mang về từ bề mặt tiểu hành tinh Ryugu từ năm 2020. Sau khi tàu vũ trụ hạ cánh trở lại Trái Đất, các nhà nghiên cứu đã mở viên đá trong phòng chân không để ngăn ngừa ô nhiễm, trước khi lưu trữ nó trong một căn phòng đầy khí nitơ. Sau đó, các mẫu được đặt bên trong các bình chứa đầy nitơ để vận chuyển khắp thế giới để phân tích.

Nhưng có vẻ như trên đường đi, các biện pháp phòng ngừa này là không đủ đối với mẫu vật. Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một mẫu có các vi sinh vật dạng sợi, rất giống với vi khuẩn prokaryotic trên cạn, chạy ngang dọc trên bề mặt của nó. Họ đã công bố phát hiện này trên tạp chí Meteorics and Planetary Science .

Vi khuẩn từ vũ trụ hay vi khuẩn thâm nhập ở Trái đất?

Sự hiện diện của các vi sinh vật trong thiên thạch được cho là bằng chứng về sự sống ngoài Trái Đất, nhưng khả năng ô nhiễm trên Trái đất có thể xảy ra, mặc dù có các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm. Điều này gây tranh cãi trong giới khoa học.

Các phân tích trước đây về thiên thạch được tìm thấy trên Trái đất đã tiết lộ rằng một số loại đá vũ trụ này chứa năm loại nucleobase cần thiết cho sự sống hữu cơ. Nhưng các hợp chất này có từ vũ trụ hay gây ô nhiễm các thiên thạch sau khi chúng đến Trái đất vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Nhiệm vụ Hayabusa2 là một nỗ lực để giải quyết vấn đề này và đã thành công phần nào khi một số mẫu của nó chứa amino axit và thậm chí cả nucleobase uracil .

Sau khi nhận được mẫu mang về từ tàu vũ trụ Hayabusa2, chúng được vận chuyển từ Nhật Bản đến Vương quốc Anh bên trong thùng chứa. Các nhà nghiên cứu đã quét tảng đá vũ trụ này bằng tia X và không tìm thấy dấu hiệu nào của vi khuẩn trên bề mặt của nó. Sau ba tuần, họ chuyển mẫu vào thùng nhựa, nghiên cứu kỹ hơn sau một tuần tiếp theo bằng kính hiển vi điện tử (SEM). Điều đáng ngạc nhiên là họ lại tìm thấy các thanh và sợi vật chất hữu cơ tràn ngập trên bề mặt mẫu.

Điều khiến các nhà nghiên cứu thất vọng là tốc độ tăng trưởng và sự xuất hiện đột ngột của vi khuẩn đều trùng khớp với các vi khuẩn được tìm thấy trên Trái đất. Điều này cho thấy mẫu vật có thể đã bị nhiễm khuẩn sau khi được đặt bên trong hộp nhựa.

Ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy trình khử nhiễm cực kỳ nghiêm ngặt đối với các mẫu lấy về trong vũ trụ, các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu của họ cũng làm nổi bật khả năng thích nghi đáng kinh ngạc của vi khuẩn, chúng có thể vượt qua các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Theo Live Science