Cá trê có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong 100 g thịt cá trê có 16,5 g protid, 11,9 g lipid, 20mg Ca, 21mg P, 1mg sắt, 0,1mg vitamin B1, 0,04mg vitamin B2, 1,4mg vitamin PP và cung cấp 178 calo.
Theo Viện Dược liệu Việt Nam, cá trê còn là một vị thuốc quý giúp điều trị và hỗ trợ nhiều loại bệnh. Thịt cá là bộ phận dùng chủ yếu với tên thuốc là đường sất ngư, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ huyết, giảm đau, tráng dương, chống viêm.
Ăn cá trê giúp giải nhiệt, giải cảm
Cá trê 1 con làm sạch, cắt khúc ướp với giềng, nghệ, mẻ, mắm tôm, muối vừa đủ. Cá đã ngấm mắm muối, cho dầu vào chảo khi nóng già phi hành thơm, cho cá vào đảo săn lại, đổ nước ngập cá đậy kín, để nhỏ lửa hầm nhừ, nước cạn bỏ tiếp hành hoa, rau răm, mang ra ăn nóng với cơm.
Ăn cá trê chữa viêm phế quản
Cá trê một con, làm thịt, cắt khúc trộn với than quả bồ kết 0,5-1g, rồi sắc với 400 ml nước còn 100ml, uống làm hai lần/ngày.
Có thể kết hợp bài thuốc này với điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc dùng bài thuốc này khi bệnh ở thể nhẹ, hoặc khi xác định viêm phế quản do virus.
Ăn cá trê chữa suy giảm tình dục
Cá trê 1-2 con, làm sạch nhờn, bỏ mang, ruột (chú ý phải giữ đầu cá trê lại bởi nó là chủ vị), đậu đen 40g (ngâm trong nước từ 4-5 giờ vớt ra).
Cho dầu vào chảo đợi nóng mới bỏ cá trê cùng 2 miếng gừng, tỏi, tiếp cho đậu đen và một bát nước nấu sôi thì hạ lửa nhỏ hầm trong 1 giờ cho cá và đậu nhừ, ăn cho gia vị vừa miệng.
Ngày ăn 1 lần. Món ăn này còn có công hiệu cho những người làm việc trí óc nhiều.
Ăn cá trê làm bổ thận, kiện tỳ, dưỡng huyết, điều kinh
Tỳ, thận lưỡng hư biểu hiện huyết hư, kinh ít, có hiện tượng quầng mắt, da mặt xanh sạm, phân lỏng, tiểu đêm...
Cá trê con 250g làm sạch, bỏ mang, ruột, cắt khúc, cho vào nồi cùng 150g đậu đen hầm nhừ, nêm gia vị, ăn nóng.