Cả trăm nhà thuốc “ đứng đường”

TP - Hàng chục tiểu thương đang phải đóng gói để rời khỏi Trung tâm Dược tại Triển lãm Giảng Võ khi hợp đồng chưa hết hạn. Nhiều quầy hàng lâm cảnh khốn khó.

> Cơ hội việc làm

Nhân viên nhà thuốc phải kê ghế làm việc xử lý công nợ. Ảnh: A.M.

Sáng 13-6, tại Trung tâm buôn bán thuốc tân dược, Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), hàng trăm tiểu thương đã lâm cảnh “khóc dở, mếu dở” bởi những hệ lụy do Cty TNHH một thành viên Hội chợ triển lãm Việt Nam gây ra.

Nhiều quầy hàng của tiểu thương đã buộc phải dỡ bỏ. Quang cảnh tiêu điều, xơ xác hiện hữu cảnh hàng chục nhân viên, chủ cửa hàng phải kê ghế để thực hiện nốt các giao dịch dở dang, từng đống thuốc chữa bệnh vứt ngổn ngang la liệt đã khiến không khí thêm ngột ngạt.

Nhân viên một quầy thuốc tại đây bức xúc: “Chúng tôi đang dọn hàng thì kế bên họ đập phá tanh bành. Sợ bị sập quầy gây tai nạn, chúng tôi lên tiếng thì họ cho rằng nếu sập quầy, chết người họ chịu trách nhiệm”.

Chị Tâm, trưởng quầy thuốc của công ty TNHH Hoàng Hương cho biết: “Ngày 30-6 mới hết hợp đồng thuê quầy nhưng cách đây không lâu, chúng tôi đã bị đơn vị chủ quản thông báo qua loa là phải dọn hàng, dọn quầy, trả lại mặt bằng. Các hộ kế bên đã dọn hàng gần hết, tôi phải cố nán lại để xử lý nợ và các đơn hàng dở”.

Theo hợp đồng kinh tế được ký kết thì tới ngày 30-6 mới hết hạn thuê mặt bằng nhưng đầu tháng 6 Trung tâm đã yêu cầu các hộ tiểu thương di dời, trả quầy.

Một tiểu thương giấu tên bức xúc: “Mỗi quầy tiền thuê 10 triệu đồng/tháng. Vậy 20 ngày, tương đương hơn 6 triệu đồng tiền thuê/quầy, với hàng chục quầy trong toàn Trung tâm thì thiệt hại lên đến con số hàng trăm triệu đồng”.

Con số thiệt hại chưa dừng lại ở phần thuê quầy, nhân viên Cty TNHH dược phẩm Nam Trang cho biết: “Ngay trong sáng 13-6, hàng loạt người đã kéo tới quầy thuốc của chúng tôi để đòi nợ do họ tưởng chúng tôi vỡ nợ nên giải tán”.

Đã gọi điện động viên!

Cty TNHH một thành viên Hội chợ triển lãm Việt Nam thu hồi mặt bằng để nâng diện tích các quầy thuốc theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Lượng quầy sẽ phải giảm so với trước.

Các tiểu thương cho rằng, khi sắp xếp lại thì các hộ đã kinh doanh nên được ưu tiên thuê lại theo hình thức bốc thăm.

Tuy nhiên, 24 trong tổng số các quầy thuốc được quy hoạch lại được thông báo là “bất khả” đăng ký thuê. Điều này nảy sinh nghi ngờ về việc phải chăng đây là những suất “quan hệ”.

Sáng 13-6, trao đổi qua điện thoại, bà Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Dược, trực thuộc Cty TNHH một thành viên Hội chợ triển lãm Việt Nam cho biết: “Cũng có những bức xúc, quyền lợi bị chi phối từ nhiều phía, chúng tôi đang sắp xếp cho phù hợp, nhiều mối quan hệ không lường trước được. Diện tích tăng gấp đôi, số quầy sẽ giảm một nửa”.

Về việc có 24 suất không cho phép đăng ký thuê, theo bà Phương là “không có tiêu cực gì”.

Trả lời về quyền lợi các tiểu thương khi chưa hết hạn hợp đồng đã phải ra đường, bà Phương cho rằng: “Đến 30-6, doanh nghiệp dược hết hạn giấy phép do Sở Y tế cấp, đồng thời cũng hết hạn hợp đồng với Trung tâm. Nếu tới 30-6 ngưng thì không còn gì để nói nhưng theo quy định thì trước 2 tháng phải nộp hồ sơ để thẩm định hoặc tái thẩm định tiêu chuẩn GPP để xây dựng. Các doanh nghiệp gặp khó thì chúng tôi cũng đã gọi điện động viên. Các quầy vẫn có thể quảng cáo bán hàng bình thường. Việc bốc thăm cũng đã được tính tới nhưng không thực hiện được”.

 Diện tích quầy mở rộng theo tiêu chuẩn GPP của Bộ Y tế là điều tất yếu. Khi diện tích tăng thì lượng quầy giảm, tại sao không ưu tiên các hộ đang kinh doanh tại đây? Tại sao không công bố rõ điều kiện để doanh nghiệp có thể thuê một trong 24 sàn? Nếu công bằng thì nên tổ chức bốc thăm, khi gắp thăm, ai trúng, ai trượt, ai ở, ai phải chuyển đi thì đều phải chấp nhận và sẽ không có khiếu kiện, khiếu nại .

Theo Báo giấy