Cả nước phát thải sinh hoạt 65.000 tấn mỗi ngày

TPO - Ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng lượng phát thải rác sinh hoạt cả nước hiện nay là 65.000 tấn/ngày. Khoảng 30% lượng rác này được đốt, phát thải gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, còn 70% chôn lấp phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Quy hoạch các nhà máy xử lý rác ở cấp quận, huyện

Sáng 26/11, Báo Điện tử VOV tổ chức Diễn đàn Kinh tế xanh "Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu", với mục tiêu đưa ra bài toán phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng gia tăng về mức độ và tần suất.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt tại các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư và là động lực phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, ngập lụt, xâm nhập mặn và nhiệt độ tăng cao đặt ra yêu cầu cấp bách về chuyển đổi mô hình phát triển.

Quang cảnh diễn đàn.

Theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), kinh tế xanh là một mô hình phát triển không chỉ giảm phát thải carbon mà còn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo công bằng xã hội. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là chiến lược quan trọng, thể hiện qua các chính sách như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và cam kết net zero vào năm 2050.

Tại diễn đàn, ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - trình bày một giải pháp đột phá: Ứng dụng công nghệ khí hóa chất thải rắn để xử lý rác đô thị. Công nghệ này không chỉ giảm phát thải CO2 mà còn xử lý rác một cách hiệu quả mà không để lại chất thải phải chôn lấp.

Ông Đông cho biết, tổng lượng phát thải rác sinh hoạt cả nước hiện nay là 65.000 tấn/ngày. Khoảng 30% lượng rác này được đốt, phát thải gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, còn 70% chôn lấp phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Ông Đông nhấn mạnh rằng việc quy hoạch các nhà máy xử lý rác ở cấp quận, huyện sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển và phát thải carbon. Thay vì xây dựng các nhà máy đốt rác quy mô lớn, giải pháp phân tán này sẽ giảm đáng kể "vết chân carbon" và tối ưu hóa hiệu quả xử lý rác.

Không chỉ dừng lại ở rác thải, ông Đông còn đề xuất quy hoạch đô thị thông minh với giao thông công cộng làm chủ đạo, hạn chế xe chạy bằng xăng dầu và ứng dụng công nghệ làm mát trung tâm cho các khu đô thị.

Tài chính xanh - nguồn lực cho sự chuyển đổi

Bên cạnh công nghệ, tài chính xanh cũng là trụ cột quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết thị trường tài chính xanh toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn tỷ USD được đầu tư vào các dự án bền vững.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn.

Tại Việt Nam, dù thị trường tài chính xanh còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng các bước tiến đáng kể đã được thực hiện. "Tổng dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 665.000 tỷ đồng (khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (hơn 22% tổng dư nợ) tính đến tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh còn khiêm tốn (khoảng 1,52 tỷ USD từ 2019 đến tháng 10/2024)”, ông Lực nói.

Trong khi nhiều văn bản pháp lý thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành. Tuy nhiên, để tăng tốc, ông Lực nhấn mạnh cần hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng danh mục phân loại dự án xanh và thành lập thị trường tín chỉ carbon để tạo động lực cho các doanh nghiệp.

Một khía cạnh khác được thảo luận tại diễn đàn là kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế tái sử dụng tài nguyên nhằm giảm thiểu chất thải và tiết kiệm tài nguyên. Đây không chỉ là xu thế toàn cầu mà còn là hướng đi tất yếu cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu.