Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 239.728 ca mắc COVID-19; 2.503 ca tử vong và 233.959 bệnh nhân xuất viện. Theo số liệu thống kê từ CDC Bình Dương cho thấy, số ca mắc COVID-19 ở địa phương này có xu hướng tăng, nguy cơ bùng phát dịch ở một số địa phương. Hiện, ca mắc COVID-19 ở Bình Dương từ 700 đến 900 ca mỗi ngày.
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số ca mắc mới mỗi ngày trên địa bàn đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Điều này cho thấy dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ cao, diễn biến khó lường và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, người dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Người dân cần chủ động thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đối với người đang cách ly tập trung, cách ly tại nhà thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, bảo vệ an toàn cho sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.
TS.BS Nguyễn Hồng Chương đánh giá, mặc dù ca mắc COVID-19 ở địa phương có tăng nhưng đang trong mức “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bình Dương có 91 xã, phường, thị trấn. Trong đó, ở cấp 1 nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh có 28 xã, phường, thị trấn; cấp độ 2 nguy cơ trung bình (màu vàng) có 43 xã, phường, thị trấn và cấp độ 3 nguy cơ cao (màu cam) có 20 xã, phường, thị trấn.
“Ngoài tiêu chí về số ca mắc mới trong cộng đồng/số dân/thời gian thì 2 tiêu chí khác Bình Dương đã hoàn thành trong tháng 10 là tỷ lệ độ bao phủ vắc xin và bảo đảm khả năng thu dung, điều trị bệnh COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin.
Xét nghiệm là then chốt để định lượng đưa ra giải pháp
Ngành y tế Bình Dương xác định xét nghiệm là khâu then chốt để phát hiện F0 ở đâu và đưa ra biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Trên cơ sở đó, 3 giải pháp xét nghiệm trong thời gian này được triển khai gồm: Xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, xét nghiệm tại cơ sở y tế và xét nghiệm trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ quan, đơn vị nhà nước.
Đối tượng thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ cho các địa bàn có nguy cơ cao, tập trung đông người (chợ, siêu thị, bến xe, nhà trọ, chung cư…) và đối tượng có nguy cơ (có biểu hiện sốt ho, khó thở, lái xe, giao hàng, bán vé số, hàng rong…).
Không chỉ định xét nghiệm đi lại với người dân, người tiêm đủ 2 liều vắc xin, 1 liều đủ 14 ngày hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Ở khu vực có cấp độ 1 (nguy cơ thấp), địa phương lấy mẫu đại diện 5% hộ gia đình hoặc phòng trọ, chung cư; cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) lấy 10% đại diện với định kỳ 2 tuần/1 lần. Riêng khu vực cấp độ 3, cấp độ 4 (nguy cơ cao và rất cao) lấy đại diện 20% hộ gia đình, khu nhà trọ và 100% đối tượng nguy cơ, tần suất 1 tuần/1 lần.
Tuy nhiên, với những người dân sinh sống tại các khu nhà trọ, chung cư hoặc đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài lấy mẫu tầm soát định kỳ, ngẫu nhiên tại nơi cư trú còn phải chấp hành lấy mẫu tại nơi làm việc.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan đơn vị phải thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Các địa phương có nguy cơ rất cao tiến hành xét nghiệm cho người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân), người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh) xét nghiệm hằng tuần tối thiểu cho 20% người lao động và xét nghiệm hằng tuần cho toàn bộ người lao động.
Các địa bàn có nguy cơ cao và có nguy cơ xét nghiệm 2 tuần lần tối thiểu cho 5-10% người lao động và xét nghiệm 2 tuần lần cho toàn bộ người lao động. Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc 1 mũi nhưng ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh không thực hiện xét nghiệm, nếu có chỉ khuyến khích không bắt buộc. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng test nhanh kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.
Ngành y tế Bình Dương đánh giá, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn chủ yếu phát hiện trong khu phong tỏa, các đơn vị chủ động xét nghiệm định kỳ. Hiện, địa phương này còn 503 điểm, khu vực phong tỏa với 19.679 người. Đến nay, Bình Dương đã tiêm 4.105.964 liều/4.601.390 liều vắc xin được phân bổ (2.389.689 liều mũi 1 và 1.716.275 liều mũi 2); đã tiêm 75.900 liều vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 15-17 tuổi.