Đây là một sáng tác của Nguyễn Minh Cường, nghe nói được lấy cảm hứng từ thơ của nhà thơ “best- seller” Nguyễn Phong Việt, cụ thể từ bài “Tựa lưng vào tường, và khóc”, trong tập “Từ yêu đến thương”. Bài thơ vốn dĩ được lòng độc giả trẻ ngay từ khi sinh ra: “Tựa lưng vào tường, và khóc, như một ngọn cây trút lá xuống sau những ngày giông bão/Cứ rơi xuống mặc kệ bình yên hay huyên náo/Như một lần giặt đời mình trên vai áo/Bằng nước mắt của mình…”. Nguyễn Phong Việt không định diễn tả tâm trạng yêu đương, thất tình giản đơn, bởi nước mắt rơi trong đời vì muôn vàn những lí do khác nhau. Nước mắt cũng có giá trị, đừng sợ nước mắt (như đừng sợ đắng cay, va vấp).
Bằng thông điệp ấy, Nguyễn Phong Việt đã khiến thi phẩm của mình chạm mạnh vào trái tim độc giả trẻ, cho dù đôi khi có cảm giác thơ anh hơi bị “lên gân”, “dạy dỗ”: “Đừng bao giờ ước giá như mình biết từ chối những đắng cay/Vì sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành mình của một ngày khác/Sẽ không bao giờ có cơ hội hiểu giá trị của nước mắt…”.
Nhưng Nguyễn Minh Cường từ “Tựa lưng vào tường, và khóc” đã chọn ngay điểm rơi nước mắt thường gặp nhất ở người trẻ, là khi một cuộc tình tan vỡ, để viết ca khúc “Hoa nở không màu”. Thoạt nghe tựa bài hát đã thoảng mùi bolero, dòng nhạc lấy cảm hứng từ hoa nhiều vô kể: “Hoa nở về đêm”; “Hoa sứ nhà nàng”; “Loài hoa không tên”… “Hoa nở không màu” lại được Nguyễn Minh Cường “chọn mặt gửi vàng” Hoài Lâm.
Phải nói nhạc sỹ đã chọn đúng người, đúng thời điểm để giới thiệu “Hoa nở không màu”. Thời điểm Lâm ra mắt “Hoa nở không màu” cũng là khi cuộc hôn nhân của anh đi vào ngõ cụt. Cuộc chia tay của Hoài Lâm, “Bé gạo” ngày nào với vợ thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Thêm nữa, Hoài Lâm đã lâu không tái xuất khán giả. Ra mắt một tháng trước, đến nay “Hoa nở không màu”, bản Acoustic, đã đạt 54 triệu lượt xem trên Youtube, một con số cực kỳ ấn tượng. Mưa lời khen từ khán giả: “Tôi lớn hơn Lâm một giáp, ngày nào sáng ngủ dậy và tối đi làm về cũng mở nhạc này nghe hết”.
Một khán giả 37 tuổi viết: “Lần đầu tiên tôi nghe bài này tôi đã có cảm xúc nghèn nghẹn rất khó tả, cứ đeo tai phone nghe đi nghe lại suốt đêm trằn trọc không ngủ được…”. Đây là một fan nữ lớn tuổi hơn Lâm: “Nhạc của Lâm thực sự ngấm vào tiềm thức của mình, có những ngày nghe đến 12 giờ đêm còn không muốn đi ngủ, cố gắng dừng lại để còn ngủ ngày hôm sau đi làm, nhưng vẫn có những đêm vô tình tỉnh giấc, lại bật nhạc Lâm hát, để vỗ về tâm hồn…”. Qua “Hoa nở không màu” Hoài Lâm có thể tự tin sau đại dịch COVID-19, nếu chọn trở lại sân khấu, có khi anh sẽ được chào đón như một “ngôi sao” lớn cũng nên?
Chính sự cuồng nhiệt của khán giả với “Hoa nở không màu” đã khiến nhiều ca sỹ đứng ngồi không yên. (“Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” là sự không lạ trong làng ca nhạc). Không kể bà già Thúy Nga từ hài kịch nhảy sang “cover” “Hoa nở không màu” thì làng giải trí còn khá nhiều tên tuổi đã thử sức với ca khúc thất tình này. Có thể kể đến Quang Hà, Nguyễn Trần Trung Quân… Thậm chí cả một giọng ca chưa tròn 18 tuổi, Phương Mỹ Chi cũng hát “Hoa nở không màu”. Sức nóng của “Hoa nở không màu” lan sang cả những giọng ca hải ngoại nổi tiếng như Minh Tuyết, Lam Anh. Không thể so bì ai hát hay hơn ai, ai cảm xúc hơn ai, tùy thuộc “gout” của mỗi khán giả.
Song một số khán giả không bị “cơn bão” lôi cuốn, đã bình tĩnh nhận xét, rằng: Bài hát không có gì đặc biệt, cớ gì “rộn” lên? “Dựa lưng vào tường, và khóc” còn có những hình ảnh, câu từ đem đến sự bất ngờ cho người đọc, còn “Hoa nở không màu” không có câu nào đắt giá, dễ dàng bị “lẫn” trong dòng chảy ca khúc trữ tình bây giờ: “Chỉ là nỗi nhớ mãi đứng sau cuộc tình đã lỡ/Chỉ là cơn mơ cuốn theo cả một trời thương nhớ/Chỉ là nỗi đau thổn thức, chỉ là nhói thêm một chút/Chỉ là nước mắt cứ rưng rưng…”.
Câu hát chủ đạo của “Hoa nở không màu” cũng “thường” thôi: “Tự mình ôm lấy tổn thương riêng mình”. Nguyễn Minh Cường là “cha đẻ” “Cả một trời thương nhớ”, bản “hit” của Hồ Ngọc Hà. Trong “Cả một trời thương nhớ”, Nguyễn Minh Cường viết: “Cả một trời thương nhớ, một trời ngu ngơ, một trời ngây thơ/Cả một đời lầm lỡ, để rồi bơ vơ, để rồi tan vỡ/Chỉ là nước mắt cứ thế rơi, chỉ là nỗi nhớ muốn cất lời”. Ở “Hoa nở không màu” những “chỉ là”, “ngu ngơ”, “lầm lỡ”, “tan vỡ”… cũng được nhạc sỹ tích cực dùng: “Mãi chìm đắm trong lầm lỡ”; “Chơ vơ đứng giữa nơi đại lộ tan vỡ”; “Chờ em đến hóa ngu ngơ”… Thời dịch vốn đã mệt mỏi nhưng “Hoa nở không màu” không vì thế mà mất chỗ đứng. Xem ra những ca khúc tình yêu buồn bã vẫn dư đất sống. Những ủy mị, sướt mướt trong kho tàng bolero hình như vẫn chưa đủ đối với khán giả? Còn nhớ trước đây, một ca khúc thất tình có tên “Để cho em khóc” đã từng gây nên cuộc chiến giữa hai nghệ sỹ thể hiện ca khúc này. Người châm ngòi chính là Vy Oanh, cô tố Minh Tuyết giành giật “hit” của cô bằng những lời lẽ khá nặng nề. Chuyện xảy ra năm ngoái, năm nay còn mấy ai nghe “Để cho em khóc”, ngay cả người bị tố là Minh Tuyết, cũng đã chuyển sang cover “Hoa nở không màu”.
Không biết “Hoa nở không màu” bao giờ hạ nhiệt? Không biết sau “Hoa nở không màu” ca khúc thất tình nào lại lên ngôi? Chỉ biết, tạm thời Hoài Lâm thắng lớn. Người ta bán xe, bán nhà, dốc tiền tiết kiệm để làm MV, đằng này Hoài Lâm tung “Hoa nở không màu” cực kỳ giản dị mà vẫn ăn khách như thường. Một khán giả nhận xét: “Tôi từng bị choáng ngợp bởi những MV hình ảnh đẹp long lanh, những cảnh đẹp chỉ dành cho người có tiền. MV này chỉ có 2 người đàn ông: Người đàn, người hát, nhưng tôi bị cuốn hút một cách mãnh liệt”. Nhưng Hoài Lâm không phải ca sỹ đầu tiên đầu tư MV ít, sinh lời lớn. Danh ca Tuấn Vũ ngày xưa quay những bài hát nổi tiếng cũng chỉ loanh quanh trong một căn phòng, chẳng cần ngoại cảnh gì cao xa. Đó là tiết lộ từ ông chủ của một trung tâm băng đĩa nhạc lừng lẫy một thời ở hải ngoại.