Hộ có lượng cá chết nhiều nhất: 10 tấn
Ông Nguyễn Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt đã thống kê số hộ nông dân ở đây từng bị thiệt hại do thiên tai: Tháng chạp năm 2007, hơn 70 ha rau màu các loại (phần lớn là rau muống) của xã Thanh Liệt bị héo vàng, kéo theo đó hàng chục tấn cá chết thối, nông dân thất thu. Đến cuối tháng 10-2008, trận ngập lụt lịch sử đã cuốn phăng hết cá ra đồng các hộ nuôi trồng thủy sản thêm một phen điêu đứng.
Những ngày cận Tết năm nay, tiếp tục cá chết hàng loạt. Theo ông Phong, số lượng cá chết ở các hồ, đầm thuộc 2 thôn Nội và thôn Chàng ước khoảng 80 tấn . Hiện tượng cá chết nổi lềnh phềnh bắt đầu xuất hiện từ hôm nhiệt độ xuống 8oC. Những người nuôi cá nhiều như anh Rèn, Việt, Kiểm, Tuyến…thiệt hại nặng nề nhất.
Với hơn 10 năm trong nghề nuôi cá, anh Rèn nhận định: “Nguyên nhân chủ yếu là do rét kéo dài, loại cá chết nhiều nhất là rô phi đơn tính, chim trắng, trê lai, bởi các loại cá này chịu rét kém hơn các loại cá truyền thống. Cá bắt đầu chết cách đây khoảng 10 ngày”.
Nhà anh Nguyễn Văn Rèn có 3 cái hồ lớn, nhỏ, tổng diện tích khoảng 10 ha, thiệt hại khoảng 10 tấn. Cả cá giống và cá thịt đều chết. “Lứa cá giống này tôi mới mua từ Hải Dương về, nhiều nơi đặt hàng mua cá giống để nuôi vào dịp ngoài Tết”. Vậy mà bây giờ trắng tay. Anh Rèn nói.
Nhà anh Việt có khoảng 10ha hồ. Cá chết, anh thiệt hại khoảng 6-7 tấn. Một số giải pháp chống rét cho cá là tăng thêm lượng nước trong hồ, đầm; thả thêm bèo để hạn chế cá chết. Nhưng do rét đậm rét hại kéo dài nên cá vẫn chết hàng loạt. Có những hộ đầu tư 600-700 triệu đồng tiền cá giống nay gần như mất trắng.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt ở xã Thanh Liệt, không chỉ tại trời rét mà còn do con người. Nguồn nước ở các hồ, đầm nơi đây chưa thật sạch. Người nuôi cá, hầu hết đều lấy nước từ sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm qua hệ thống kênh mương ngoài đồng ruộng rồi chảy vào ao hồ.
Ô nhiễm
Theo quan sát của chúng tôi, tại hồ lớn của nhà anh Rèn có những con cá chim, cá trê khoảng 4-5 kg (con) cùng nhiều loại cá khác đang phân hủy, thối rữa, bốc mùi nồng nặc. “Mấy hôm trước, tôi đã huy động công nhân vớt cá đóng vào bao tải chôn hoặc đốt, nay công nhân về quê ăn Tết không có người làm nên đành để thối" - Anh Rèn nói.
Theo người dân ở đây, cá chết để lâu ngày sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Trong mùa đông, cá chậm phân hủy . Hiện nay, một số hộ đã xử lý nguồn nước bằng cách dùng vôi bột và các hóa chất để vệ sinh ao, hồ chuẩn bị sang năm thả đợt cá mới.
Sau 2 năm thiệt hại nặng nề vì cá chết rét, anh Rèn rút ra bài học: “Gia đình tôi là hộ nuôi cá thể nên không có đủ trang thiết bị để chống rét cho cá. Sang năm tôi sẽ không nuôi các loại cá nhập ngoại, chịu rét kém mà chuyển sang nuôi các loại cá truyền thống chống được rét như cá mè, cá trắm, cá chép… Mong rằng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ người nuôi cá mua giống để tái sản xuất”.
Thực tế cho thấy, những hộ nuôi cá rô phi và cá chim trắng nhiều thì thiệt hại nặng hơn những hộ nuôi các loại cá truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục thống kê số lượng cá chết ở các hộ để báo cáo với huyện có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ bà con bị thiệt hại. Đồng thời, đề nghị ngân hàng giãn nợ, và tiếp tục cho các hộ vay vốn”.