Vụ ông Ðinh Ngọc Hệ

Bút phê của nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Dương gây thiệt hại tiền tỷ

TP - Trong vụ án ông Ðinh Ngọc Hệ (tên khác Út trọc - nguyên phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị truy tố hai tội danh, trong đó có hành vi gây thiệt hại trên 1,4 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước thông qua “phi vụ” xăng dầu (xảy ra tại Bình Dương), bị quy kết trong tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Ông Ðinh Ngọc Hệ (ảnh nhỏ trên) và ông Phùng Danh Thắm (ảnh nhỏ dưới).

Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (CPPTÐT Thái Sơn - hoạt động theo mô hình công ty con của Tổng công ty Thái Sơn), ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà). Ngày 23/6/2014, Ðội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra Cửa hàng xăng Dầu Thái Sơn (đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương) bị lập biên bản về việc thiếu giấy chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu và lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Ngày 2/7/2014, Ðội kiểm tra thông báo số xăng trên 20 ngàn lít tồn kho ngày 23/6/2014 không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình.

Ông Trần Xuân Sơn (Giám đốc chi nhánh tại Bình Dương của Công ty CPPTÐT Thái Sơn) báo cho ông Trần Văn Lâm (Tổng giám đốc điều hành Công ty CPPTÐT Thái Sơn), ông Lâm báo cáo vụ việc cho ông Ðinh Ngọc Hệ. Ông Hệ liên lạc với ông Lê Thanh Cung (lúc này là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), đồng thời chỉ đạo ông Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi cho ông Lê Thanh Cung để xin không bị xử phạt… Nhận được các văn bản, hồ sơ, ông Lê Thanh Cung có bút phê “Ð/c: Cư xem và giúp đỡ”, rồi chuyển cho ông Võ Văn Cư (lúc này là Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương).

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã xác định mức phạt đối với sai phạm của Cửa hàng xăng dầu Thái Sơn là 1,4 tỷ đồng. Ông Hệ không thừa nhận vai trò chỉ đạo để làm thủ tục xin miễn phạt, đồng thời phủ nhận việc nhờ ông Lê Thanh Cung giúp đỡ.

Cơ quan điều tra đã tổ chức đối chất giữa ông Bùi Văn Tiệp (ngụ quận Tân Bình, TPHCM - người ký văn bản xác nhận, nhận số xăng mà Ðội quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra nói trên là do ông gửi tại Cửa hàng Thái Sơn), ông Trần Văn Lâm với ông Ðinh Ngọc Hệ.

Cơ quan điều tra cũng lấy lời khai ông Lê Thanh Cung và những người liên quan. Cơ quan điều tra đủ cơ sở khẳng định ông Hệ chỉ đạo cấp dưới gây ra vụ thất thu ngân sách Nhà nước 1,4 tỷ đồng này.

Từ ngày 30/7 đến 2/8 tới, ông Ðinh Ngọc Hệ (“Út trọc” - nguyên phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn), Bùi Văn Tiệp (ngụ quận Tân Bình, TPHCM), Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc chi nhánh tại Bình Dương của Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn) bị xét xử cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ông Hệ còn bị xét xử thêm tội danh “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Ông Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn) tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án, ông Phùng Danh Thắm được Cơ quan điều tra khẳng định là không có dấu hiệu vụ lợi, được thưởng nhiều huân, huy chương và các danh hiệu. Ông Thắm làm Tổng giám đốc TCT Thái Sơn từ năm 1996 đến nay có đóng góp cho sự phát triển kinh tế nói chung và kinh tế quốc phòng nói riêng. Ông Thắm tự nguyện nộp một khoản tiền để cùng khắc phục hậu quả trong vụ hợp thức hóa kinh doanh xăng kém chất lượng. Ông Thắm nay được Cơ quan điều tra công nhận là “Thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, nhận thức rõ sai phạm bản thân. Trong sai phạm của ông Thắm có một phần yếu tố khách quan tác động chi phối. Ðáng lưu ý là TCT Thái Sơn có văn bản đề nghị không xử lý hình sự đối với sai phạm đối với ông Thắm.