Những ngày này, Đắk Lắk – thủ phủ cà phê của cả nước đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025. Lễ hội đặc biệt này dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 13/3/2025, tại TP Buôn Ma Thuột.
Đây cũng là nơi diễn ra 8 mùa Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và đều thành công trọn vẹn, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Với vị trí nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Đây cũng là mục tiêu, khát vọng của tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng.
Theo lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột, để hiện thực hoá khát vọng trên, địa phương rất cần sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp đến là kết nối giao thông với các vùng lân cận và cả nước để giao thương liên quan đến lĩnh vực hàng hoá và con người để đến Buôn Ma Thuột. Thứ ba là các giá trị sản phẩm gia tăng của cây cà phê phải được nâng cao và thực hiện tại Buôn Ma Thuột thì từ đó mới nâng cao giá trị gia tăng của cà phê.
“Trong Nghị quyết 103 của Chính phủ có Đề án Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, chúng tôi đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nội dung then chốt để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Khi Đề án được phê duyệt sẽ có phân công nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành của tỉnh, của thành phố và đặc biệt có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp”, lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột nhấn mạnh.
Ngoài xây dựng đề án, trong xây dựng quy hoạch chung của thành phố Buôn Ma Thuột có tính đến việc tạo ra những không gian cho cây cà phê, nơi trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê trên địa bàn. Đây là điều kiện để tạo ra nét riêng của Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Để Buôn Ma Thuột có thể đạt được mục tiêu này, địa phương đang cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương trong nhiều lĩnh vực. Trước hết là các chính sách ưu đãi về thuế và tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. Hiện tại, chỉ khoảng 20% sản lượng cà phê được chế biến sâu, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, thành phố Buôn Ma Thuột rất cần Trung ương đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông. Đơn cử, dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, nếu được hoàn thành trước năm 2030, sẽ là tuyến giao thông huyết mạch giúp Buôn Ma Thuột kết nối với các cảng biển lớn, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu cà phê.
Thành phố cũng cần Trung ương xúc tiến thương mại quốc tế và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Các sự kiện như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cần có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu lớn để thu hút sự chú ý từ thị trường toàn cầu.
Về phía thành phố đã và đang chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng với các xã, phường tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh theo tiêu chuẩn. Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê tại các vùng nguyên liệu, trong đó áp dụng các tiêu chuẩn của cà phê sạch và cà phê chất lượng cao. Từ đó người dân được hưởng lợi ở sản phẩm, đó là cà phê có giá cao hơn so với bình thường khi các doanh nghiệp bao tiêu.
Ngoài ra, thành phố đang xây dựng đề án liên quan đến xây dựng các sản phẩm chủ lực, trong đó chú trọng vào sản phẩm cà phê và đang thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch. Kết hợp với các tour du lịch để đưa khách du lịch đến trải nghiệm trồng, chế biến tại vườn cà phê này…Đây là những tiêu chí mà thành phố đang triển khai và xây dựng từng bước Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”…