Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử

Sáng 29/12, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”.
Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, địa phương; các vị lão thành cách mạng, đại biểu cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định hội thảo có tầm vóc và ý nghĩa to lớn. Thông qua sự kiện này, cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, hội thảo tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này; đúc kết những bài học lịch sử quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh: Hội thảo lần này nhằm tập trung khẳng định và làm sáng tỏ bối cảnh chung trong nước, quốc tế và khu vực liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chủ trương và quyết tâm chiến lược mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; quá trình chuẩn bị mọi mặt của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam; sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước XHCN đối với cách mạng Việt Nam; diễn biến, kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, hoạt động đối phó của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; sự phối hợp của quân và dân cả nước, hậu phương lớn miền Bắc, các hướng, các mặt trận trong Tổng tiến công và nổi dậy, tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; những nhận định, đánh giá của quốc tế về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968…; tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, vận dụng vào giai đoạn sau của cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…
Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo được tổ chức tại nơi mà 50 năm trước là chiến trường trọng điểm. Với độ dài thời gian, chiến trường xưa đã vươn mình trỗi dậy. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn – Gia Định xưa, TP Hồ Chí Minh hôm nay luôn dốc sức cho sự nghiệp cách mạng, khẳng định ý chí, bản lĩnh Nam Bộ thành đồng. Phát biểu chào mừng hội thảo, thay mặt lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vui được phối hợp tổ chức sự kiện quan trọng này và nhấn mạnh: Từ hội thảo khoa học quan trọng này, quân và dân TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng hào hùng và lòng yêu nước, trân trọng và gìn giữ những thành quả mà cha ông cha đã dày công vun đắp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nguyện phát huy truyền thống kiên cường, năng động, sáng tạo và hào khí Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa “vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đồng chí Tất Thành Cang phát biểu tại hội thảo.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát biểu chỉ đạo hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị: Hội thảo cần tập trung khẳng định đường lối, chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng là cội nguồn thắng lợi; là tư tưởng chiến lược tiến công, dám đánh, dám thắng đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền ngụy Sài Gòn ngay tại sào huyệt của chúng; làm rõ sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp các lực lượng, trong đó LLVT làm nòng cốt; kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và ngoại giao, tận dụng sức mạnh thời đại và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Đoàn chủ tịch chủ trì hội thảo.
Cùng với thời gian, giá trị của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị: “Bằng tư duy khách quan, khoa học và cách tiếp cận mới, Hội thảo tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu, gồm: Bối cảnh, tình hình thực tiễn để khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; công tác chuẩn bị và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng Việt Nam; tái hiện diễn biến và những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường miền Nam; tiếp tục đúc rút bài học lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.

Hội thảo đã nhận được hơn 110 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo nhiều địa phương và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cả nước, đề cập toàn diện các vấn đề dưới góc nhìn khách quan, chân thực, chính xác, làm nổi bật tầm vóc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Theo Theo Quân đội nhân dân