Bước đột phá thành công trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Năm 2020, nền kinh tế đất nước trải qua 01 năm nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh và thiên tai. Vượt qua tất cả, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành hiệu quả, tạo nên “cú lội ngược dòng” ngoạn mục trong công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo dự kiến, đến hết thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 (ngày 31/01/2021), kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ đạt 93% - tỷ lệ giải ngân cao nhất trong giai đoạn thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 (năm 2016 giải ngân 92% kế hoạch; năm 2017 giải ngân 82,3% kế hoạch; năm 2018 giải ngân 82,7% kế hoạch; năm 2019 giải ngân 85% kế hoạch).

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của đất nước nên có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý, điều hành NSNN. Tuy khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng năm 2020 khép lại với kết quả giải ngân đột phá, ngoài mong đợi của Chính phủ, Bộ Tài chính nói chung và KBNN với vai trò là cơ quan thực hiện kiểm soát chi nói riêng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 93% kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 8%.

Nhìn lại diễn biến kết quả giải ngân trong năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư kiểm soát chi qua KBNN những tháng đầu năm tăng rất chậm. Tính đến hết tháng 5/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư được giao kiểm soát chi qua KBNN mới đạt chỉ 26,6% kế hoạch, tương đương bình quân tỷ lệ giải ngân mỗi tháng đạt khoảng 5,3% kế hoạch. Trong đó, giải ngân nguồn vốn trong nước đạt 28,9% kế hoạch, vốn ngoài nước kiểm soát xác nhận qua KBNN làm cơ sở rút vốn ngoài nước đạt 10,8% kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo đà khôi phục hoạt động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo quyết liệt chính quyền các cấp thực hiện mục tiêu đã đề ra. Cụ thể là:

Nhanh chóng đưa Luật đầu tư công vào thực tiễn: Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (Luật đầu tư số 39), có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2020, thay thế Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13. Theo Luật đầu tư số 39, một số quy trình, thủ tục liên quan đến quản lý đầu tư công đã được cải cách, phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định đã góp phần không nhỏ cải thiện, tháo gỡ một số điểm còn hạn chế trong việc phân bổ, giải ngân vốn thường gặp trong các năm trước. Luật Đầu tư số 39 đã phân cấp cho người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các dự án thuộc danh mục đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động hơn trong việc điều chỉnh vốn thuộc phạm vi quản lý và quy định về quy trình điều chỉnh nêu trên đã rút ngắn thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công so với quy trình tại Luật Đầu tư công 2014 trước đây...

Thực hiện giao kế hoạch vốn sớm, giao một lần: Thủ tướng Chính phủ thực hiện giao kế hoạch vốn năm 2020 cho các bộ, ngành, địa phương từ rất sớm và tiến hành giao một đợt hết kế hoạch tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư vốn NSNN năm 2020. Đây là bước tiến mới giúp các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ kế hoạch vốn cho các đơn vị trực thuộc, để các chủ đầu tư có căn cứ và chủ động triển khai sớm các dự án được giao quản lý năm 2020.

Ngăn chặn dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả: Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến an sinh - xã hội của hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đầu tư xây dựng cơ bản khu vực công cũng bị ảnh hưởng khá rõ nét do nguồn cung nguyên vật liệu mọi ngành, mọi lĩnh vực bị thiếu và giá cả cũng tăng cao; nguồn lao động cũng thiếu hụt do thực hiện giãn cách. Chính vì vậy, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều gặp khó khăn trong việc đấu thầu, tham gia dự thầu, lựa chọn nhà thầu cũng như triển khai, thực hiện dự án. Đảng, Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID - 19 đã thành công ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, đưa hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường, góp phần tạo đà bứt phá cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID - 19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng nhằm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đã được giao.

Cùng với đó, Chính phủ đã tổ chức 04 hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có 01 hội nghị chuyên đề về các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài... Thành lập các đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng các Bộ chức năng liên quan làm trưởng đoàn nhằm trực tiếp nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao; yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 04 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định...

Với những giải pháp quyết liệt đã triển khai, kể từ tháng 6/2020, tỷ lệ vốn đầu tư giải ngân đã có nhiều chuyển biến tích cực, dự kiến đến hết ngày 30/01/2021, tỷ lệ vốn đầu tư giải ngân đạt 93% kế hoạch, tăng 66,4% kế hoạch so với tỷ lệ vốn đầu tư giải ngân đến hết tháng 5/2020. Trong đó, nguồn vốn trong nước giải ngân đạt khoảng 96% kế hoạch, vốn ngoài nước kiểm soát xác nhận qua KBNN làm cơ sở rút vốn ngoài nước đạt khoảng 67% kế hoạch.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã cơ bản “cán đích thành công”, góp phần không nhỏ trong việc đạt được mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, kích thích kinh tế và trợ lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đa phần các doanh nghiệp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID - 19. Đây được coi là nền tảng vững chắc, tạo đà thực hiện tốt kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nói chung và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nói riêng.