Hàng loạt bệnh viện công của Hà Nội thực hiện tự chủ:

Bước đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ

TP - TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2018, UBND thành phố đã giao cho 13 bệnh viện xây dựng phương án tự chủ chi thường xuyên. Ðây là bước tháo gỡ cơ chế nhằm phát huy sự sáng tạo, nâng cao năng lực phục vụ người bệnh…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (thứ hai từ trái qua) thăm BV Ða khoa Hà Ðông tháng 2/2018. Ảnh: Nguyễn Văn Lập.

Cải thiện năng lực quản trị

Trong năm 2017, Hà Nội có 5 bệnh viện (BV) tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, gồm: BV Tim Hà Nội, BV Hoè Nhai, BV đa khoa Xanh Pôn, BV Phụ sản Hà Nội, BV Ung bướu Hà Nội. Năm 2018, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho 13 BV xây dựng phương án tự chủ chi thường xuyên. Lộ trình 2019-2020, ngoài BV Tâm thần, BV Lao, BV Phong, BV phục hồi chức năng, toàn bộ các BV công lập còn lại của thành phố sẽ được chuyển sang tự chủ chi thường xuyên.

Trong thời gian qua, cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của Hà Nội đã từng bước được đổi mới theo hướng: tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị; các đơn vị được vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư để cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh mới để nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân... và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo ThS Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Việc thay đổi để giúp các BV nâng cao chất lượng cũng như làm hài lòng người dân hơn nữa, đặc biệt là sử dụng Quỹ BHYT một cách hiệu quả nhất, tránh việc lạm dụng quỹ. Đây là chủ trương rất phù hợp, giúp các bệnh viện đổi mới nhanh để thu hút bệnh nhân. Cơ chế tự chủ giúp cho các BV có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng thương hiệu, tăng được thu nhập cho cán bộ, công nhân viên. Nhờ đó, người dân được khám chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao ngay tại địa phương, giảm được một phần lớn về kinh tế khi phải lên tuyến trên điều trị.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Quang, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế Hà Nội cho hay, việc chuyển sang tự chủ chi thường xuyên sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị cho lãnh đạo các BV. Người bệnh cần y bác sỹ giỏi nhưng cũng rất cần những dịch vụ khác như nơi ăn, ngủ, dịch vụ trông giữ xe, thủ tục nhanh gọn…

Bác sĩ nước ngoài tham gia điều trị cho bệnh nhân tại BV Xanh Pôn.

Vướng mắc lớn nhất: giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí

Trong buổi làm việc giữa Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội về tăng cường hợp tác để nâng cao chất lượng chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tổ chức vào chiều ngày 3/4, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết việc thực hiện tự chủ chi thường xuyên đang gặp nhiều khó khăn. Điển hình là giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí (chi phí quản lý, chi phí khấu hao). Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phòng chống dịch tại quyết định 73/2011/QĐ-TTg có một số điểm chưa thống nhất trong cấu thành giá tại Thông tư 37.

ThS Trần Thị Nhị Hà cho rằng: Việc tự chủ phải được thực hiện từng bước theo lộ trình phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từ tự chủ một phần sau đó mới đến tự chủ hoàn toàn. Thực hiện tự chủ về tài chính đồng nghĩa với việc các BV hoạt động như một doanh nghiệp, tự thu, tự chi và tự cân đối.

Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, Sở Y tế Hà Nội đã có kiến nghị với Bộ Y tế cần sớm ban hành giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ và phù hợp với mức lương cơ sở hiện nay là 1.300.000 đồng thay cho mức lương 1.150.000 đồng như hiện nay đang áp dụng; ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để các BV làm cơ sở xây dựng giá.

Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao sự đổi mới hoạt động của BV Phụ sản Hà Nội.

Khi người bệnh trả lương

Năm 2017, do thực hiện được giá dịch vụ có tính tiền lương nên ước tính cả nước có 18 BV tuyến cuối, 36 BV tuyến tỉnh và 24 BV tuyến huyện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Số đơn vị do ngân sách phải bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên đã giảm rõ rệt, làm giảm số lượng lớn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là tính lương vào giá đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ y tế, từ chỗ Nhà nước trả lương, nay người bệnh và BHYT trả lương, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện rõ rệt thái độ phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

“Không ai muốn chui vào cái rọ cũ đâu”

Trao đổi với PV Tiền Phong về hàng loạt bệnh viện công của Hà Nội chuyển sang tự chủ chi thường xuyên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng khẳng định, đây là cơ hội tốt để các bệnh viện đổi mới, phát triển.

Với 5 bệnh viện đã thực hiện tự chủ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thu nhập của cán bộ, viên chức được tăng thêm.  Điều quan trọng là các bệnh viện được chủ động sáng tạo, đổi mới trang thiết bị, tiệm cận hơn với trình độ cao của thế giới. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại đã được đầu tư cho khám chữa bệnh. Nhiều nguồn lực đã được huy động cho công tác khám chữa bệnh. Trong khi đó trước đây do thiếu máy móc hiện đại, nhiều bệnh nhân đã phải ra nước ngoài chữa bệnh, rất tốn kém. Cần trao quyền tự chủ cho lãnh đạo các bệnh viện.

Như vậy, theo cơ chế này, những bệnh viện phục vụ kém thì có thể rơi vào tình trạng bị người bệnh quay lưng, thu không đủ chi?

Đúng là như vậy. Tuy nhiên bên cạnh đó thành phố cũng có cơ chế tạm gọi như “phao cứu sinh” để hỗ trợ những bệnh viện chưa thu hút được nhiều bệnh nhân nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh.

“Phao cứu sinh” liệu có làm cho lãnh đạo các bệnh viện ỷ lại, thiếu quyết liệt đổi mới chất lượng dịch vụ, thưa ông?

Kết quả tự chủ từ 5 bệnh viện công đầu tiên của thành phố đã chứng minh là không có lãnh đạo bệnh viện nào muốn quay lại cơ chế cũ. Không ai muốn chui vào cái rọ cũ đâu! Tôi cho rằng sự hỗ trợ của thành phố sẽ không làm các bệnh viện tiếp tục sống dựa dẫm vào ngân sách mà sẽ nỗ lực hết mình để được quyền tự chủ, được chủ động sáng tạo, được làm việc hết mình...

Minh Tuấn - Ngọc Cương (thực hiện)