Trên mạng xã hội những ngày gần đây xuất hiện hình ảnh chụp lại cảnh một tài xế ô tô khách vô tư dừng xe ngay giữa một đoạn đường trống trải, để nhiều học sinh vô tư xuống xe dàn hàng… chụp ảnh.
Điều đáng chú ý vị trí nhóm người đó đứng là đường cứu nạn cho các phương tiện trên cung đường đèo dốc chứ không phải một bãi đất cho những du khách dừng chân. Đáng nói, từ trước đến nay đã có nhiều hình thức cảnh báo về tình trạng này trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tuyên truyền về tác dụng của đường cứu nạn.
Theo quy định, khu vực này là đoạn đường được thiết kế và thi công trên đường đèo nhằm làm giảm tốc độ và đảm bảo cho những xe mất kiểm soát có thể dừng lại khi gặp sự cố. Đường cứu nạn chính là nơi các tài xế khi xe gặp vấn đề về vận hành có chỗ để lao vào và chạy hết đà rồi dừng lại. Nó được thiết kế có độ dốc ngược so với chiều di chuyển của xe, mặt đường có trải cát và sỏi cuội, hoặc phía cuối đường cứu nạn có những tường lốp để làm giảm chấn cho các xe mất lái.
Nhiều người bức xúc đưa ra nhiều bình luận về vấn đề nhức nhối này. Anh T.D, một tài xế có kinh nghiệm lâu năm cho biết: "Theo tôi được biết thời gian gần đây khi các ô tô xảy ra sự cố trên đèo Lò Xo ở Kon Tum hay ở Mai Châu, Hòa Bình các xe đều dừng lại an toàn. Không lẽ nhóm người này không biết gì về đường cứu nạn và mức độ nguy hiểm khi họ đứng đây?".
Một người khác tên N.N, trú tại Phú Thọ thắc mắc: “Hành động này là quá nguy hiểm. Nếu chẳng may có xe mất phanh cần chạy vào đây thì hậu quả sẽ ra sao?”.
Đồng tình với ý kiến trên, anh B.H, trú tại Hà Nội chia sẻ: “Hôm qua mình đi cũng gặp một đôi dừng xe máy ở giữa đường chụp hình không màng thế sự, không thể hiểu nổi. Bản thân cái tên "đường cứu nạn" đã đủ cho thấy chức năng của nó rồi, đằng này còn có biển cấm dừng đỗ mà vẫn vô tư đi vào".
Nhiều người cho rằng, bản thân mỗi tài xế cần trang bị đầy đủ kiến thức về giao thông, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Anh T.H, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cảm thán: “Đáng lẽ người lái phải có trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn giao thông, nhắc nhở hành khách, đằng này lại cố tình rẽ vào. Ngoài ra, cần phải có chế tài thật nặng xử lý các hành vì vi phạm thì mới có tính răn đe”.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung đều không có quy định cụ thể nào để xử phạt riêng về hành vi dừng, đỗ xe tại đường cứu nạn.
Trường hợp dừng đỗ xe trên đường lánh nạn mà trước đó có biển "Cấm dừng xe và đỗ xe", lái xe sẽ bị xử phạt ở mức 800 nghìn đến 1 triệu đồng theo khoản 3 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.