Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội quý 1 năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 1.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) dự báo, nhiều ngành sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo khi các hoạt động dần thích ứng với dịch bệnh, ngành du lịch mở cửa trở lại, thu nhập của người lao động tăng lên (dẫn đến chi tiêu dùng tăng), thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển mạnh.
Với kết quả tăng trưởng trong quý 1 như trên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Ở kịch bản thấp, giả định xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng nhưng sớm kết thúc trong 6 tháng đầu năm, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng mới, thì tăng trưởng quý 2 đạt khoảng 5,5%; quý 3 đạt khoảng 7,5% và quý 4 tăng 6,1%. Tăng trưởng cả năm ước đạt 6,0%.
Với kịch bản cao, giả định xung đột Nga - Ukraine hạ nhiệt trong tháng 4, dịch COVID 19 được kiểm soát, biến chủng mới ảnh hưởng nhẹ hơn, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% như kịch bản ban đầu.
Dù kinh tế có nhiều điểm sáng, nhưng áp lực lạm phát những tháng còn lại vẫn là rủi ro hiện hữu đe dọa tăng trưởng, phục hồi. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xăng dầu là yếu tố chủ yếu làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng đầu năm. Bình quân quý 1, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tác động làm CPI tăng 1,76%.