Bữa sáng mùa đông nên ăn gì để có nhiều năng lượng?

Những ngày mùa đông lạnh giá, bạn cần chú ý ăn bữa sáng đầy đủ với đa dạng thực phẩm nhằm cung cấp dinh dưỡng.
Ảnh minh họa

Bữa sáng rất quan trọng với cơ thể, nhiều người thường coi nhẹ việc ăn sáng thậm chí bỏ bữa. Nhưng vào những ngày lạnh đừng quên lót dạ bữa sáng để có một ngày đầy năng lượng. 

Sau một đêm ngủ dài, thức ăn trong dạ dày đã được tiêu hóa hết, do đó bạn phải bổ sung thêm năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Nếu bạn bỏ bữa sáng, cơ thể cảm giác lạnh hơn, thậm chí rét run, các hoạt động chậm chạp hơn nặng nhất có thể hạ huyết áp hay tụt đường huyết.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Quỳnh Hoa (Chuyên khoa Dinh dưỡng người lớn) cho biết, những ngày lạnh khiến nhiều người lười ăn sáng nhưng cần phải bỏ ngay thói quen xấu này. Cơ thể cần chất dinh dưỡng cho một ngày mới, vì vậy bạn phải đáp ứng yêu cầu đó.

"Khi bạn không ăn sáng, cơ thể sẽ lấy dinh dưỡng từ gan. Điều này tổn hại đến hoạt động của gan. Ăn sáng không đủ chất hay không ăn sáng còn làm cho cơ thể bị hạ huyết áp, ảnh hưởng đường huyết và lâu dần sẽ gây hại cho hệ miễn dịch, sức đề kháng...do không có đủ chất để duy trì hoạt động tốt nhất cho các hệ cơ quan để chống lại sự thay đổi của thời tiết, bệnh tật", bác sĩ Hoa nói.

Ngoài ra, thời tiết lạnh của buổi sáng mùa đông sẽ tác động đến các hệ cơ quan trong cơ thể. Khi bữa sáng không được cung cấp, cơ thể sẽ bị hạ huyết áp do phải hoạt động quá mức để bù dinh dưỡng thiếu hụt. Huyết áp khi bị hạ sẽ làm cơ thể đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, chóng mặt...nếu không được phát hiện kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong.

"Nhiều người coi nhẹ bữa sáng, vì thức dậy vẫn thấy no. Đó là cảm giác no giả tạo, đừng vội nhầm tưởng. Bạn phải ăn để bổ sung năng lượng đã tiêu hao khi ngủ. Mặt khác, không ăn sáng thì bạn sẽ ăn trưa và ăn tối nhiều hơn. Thức ăn của 2 bữa không được tiêu hóa kịp sẽ dẫn đến mỡ bụng và gây béo", bác sĩ Hoa nhấn mạnh.

Bữa sáng mùa đông cần lưu ý gì?

Theo bác sĩ Hoa, sau khi ngủ dậy, cơ thể trong chăn ấm sẽ phải thích nghi với mức nhiệt thấp bên ngoài. Do đó, bạn cần phải ăn bữa sáng nóng hổi để giúp cơ thể có đủ độ ấm chống chọi với trời lạnh. 

Ngoài ra, ăn đồ ấm nóng sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt, máu dễ dàng lưu thông, xua tan cái lạnh do cảm giác đói gây nên. Nếu đồ ăn chuẩn bị từ tối hôm trước đã nguội cần phải đun nóng bằng lò vi sóng hoặc đun lại bằng nồi từ 5-10 phút.

"Ngoài ra, bữa sáng không nên ăn quá muộn, như vậy có thể làm dạ dày bị đói khiến dịch vị tiết ra nhiều là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày. Tốt nhất ăn trong vòng 1 tiếng sau khi dậy và vệ sinh cá nhân. Duy trì thói quen bữa sáng đúng giờ cũng là cách để giúp bạn ngon miệng do cơ thể có được phản xạ có điều kiện ở dạ dày tiết ra dịch tiêu hóa thức ăn dễ dàng", bác sĩ nói.

Về món ăn cho bữa sáng, bạn cần ưu tiên hàng đầu các loại ngũ cốc, đây là nguồn cung cấp chất bột, đường để đảm bảo đường huyết ổn định và năng lượng của cơ thể. Ngoài ra, bạn cần bổ sung protein là trứng gà, bơ...Nếu không có được các món ăn đó, bạn có thể bổ sung thêm sữa nóng - với đa dạng các vitamin và khoáng chất.

"Đừng quên bổ sung vào bữa sáng một chút hoa quả để dễ tiêu hóa thức ăn và đảm bảo nguồn chất xơ cho cơ thể. Dù vội đến mấy cũng cần ăn sáng tại một chỗ, không vừa đi vừa ăn hay vừa làm việc vừa ăn sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm việc của hệ tiêu hóa gây hại cho dạ dày và mất đi cảm giác ngon miệng", bác sĩ Hoa nói.

Ngoài ngũ cốc hay cơm, bún, phở, bạn có thể lót dạ bằng một bát súp thịt bò, súp hải sản, súp rau củ. Súp có độ nóng vừa phải, dễ ăn và dễ tiêu hóa. Trong súp còn có sự kết hợp của bột, các loại ngũ cốc như ngô, rau, nấm có nhiều nguồn dinh dưỡng.

Theo Theo Công luận