Brazil đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc COVID-19

TP - Đã mấy ngày liên tiếp, Brazil có thêm hơn 20.000 ca bệnh mới mỗi ngày và số lượng người bị bệnh đã vượt mốc 330.000, trở thành nước xếp thứ hai trên thế giới về số lượng bệnh nhân COVID-19, chỉ sau Mỹ.
Các nhân viên nghĩa trang phải làm việc cật lực để mai táng hết số người chết mỗi ngày

Nghĩa trang nơi Francisco làm việc là Vila Formosa, nằm ở phía đông thành phố São Paulo, được coi là nghĩa trang lớn nhất ở Mỹ Latinh. Một nhân viên nghĩa trang nói rằng họ phải làm việc 12 giờ mỗi ngày - tất cả nhân viên của nghĩa trang này đều phải đeo khẩu trang và mặc quần áo phòng hộ màu trắng để ngăn ngừa nhiễm virus. James Alan, người đứng đầu một trong những nhóm đào mộ, nói rằng bình thường ở đây chỉ có 30 - 35 đám tang mỗi ngày; khi bận rộn lắm cũng chỉ có thể lên tới 45; còn trong dịch bệnh gần đây, mỗi ngày bình quân phải hoàn thành 60 đám tang.

Do hạn chế về thời gian, rất khó để hoàn thành lễ tang theo nghi thức. Mỗi thi thể sẽ được chôn cất chỉ trong vòng 5 phút. Mỗi người quá cố chỉ cho phép tối đa 5 người đến dự đám tang, có đám thậm chí chẳng có ai đến đưa tiễn. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 4, São Paulo đã thuê thêm 220 công nhân tạm thời để tăng cường cho 22 nghĩa trang trong thành phố.

Moise Francisco, một thợ đào huyệt làm việc tại São Paulo, thành phố lớn nhất của Brazil, gần đây rất bận rộn. Thông thường, khi ông đi làm lúc 8 giờ sáng mỗi ngày, sẽ có 15 hài cốt đợi ông và các đồng nghiệp trong nghĩa trang nơi ông làm việc. Tuy nhiên, vào sáng sớm thứ Tư (20/5), khi bắt đầu ngày làm việc, Francisco đã thấy 33 thi thể nằm xếp hàng đợi được mai táng.

Bộ Y tế Brazil hôm 19/5 báo cáo rằng nước này đã ghi nhận thêm 1.179 trường hợp tử vong do COVID-19 trong ngày. Đây là lần đầu tiên số người chết trong một ngày ở Brazil phá vỡ mốc ngàn người. Tính đến thứ Sáu (22/5) số người chết vì COVID-19 ở Brazil đã là 20.082, vượt qua mốc 20 ngàn người.

Đồng thời, đã mấy ngày liên tiếp có thêm hơn 20.000 ca bệnh mới mỗi ngày và số lượng người bị bệnh đã là hơn 330.000, vượt qua mốc 310.000, trở thành nước xếp thứ hai trên thế giới về số lượng bệnh nhân COVID-19, chỉ sau Mỹ và Nga. Sự tăng trưởng dữ liệu đột biến đáng sợ này đã khiến Brazil trở thành một trung tâm dịch bệnh COVID-19 mới của thế giới.

Tuy nhiên, thế giới bên ngoài tin rằng Brazil có dân số hơn 200 triệu người đã không được xét nghiệm virus đầy đủ và số người bị nhiễm coronavirus mới trong thực tế cao hơn nhiều số liệu chính thức được công bố. Mặc dù châu Âu, châu Á và một số nơi khác ở châu Mỹ đã dần dần dỡ bỏ phong tỏa, nhưng Brazil ở Nam bán cầu bây giờ mới sắp bước vào mùa đông là mùa dịch bệnh. Theo phán đoán, dịch bệnh phải đến tháng 6 mới đạt đến đỉnh điểm.

So với các quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng khác, Brazil có tỷ lệ người bệnh ở độ tuổi còn trẻ tử vong vì coronavirus mới cao hơn hẳn. Thống kê cho thấy số người chết vì COVID-19 dưới 60 tuổi ở Brazil chiếm hơn 30%; trong khi ở Tây Ban Nha và Italy, tỷ lệ này chỉ là 5%. Điều này có thể là do cấu trúc dân số của Brazil trẻ hơn: dân số trên 60 tuổi chỉ chiếm 13%, trong khi người cao tuổi trên 60 tuổi ở Tây Ban Nha và Italy chiếm hơn 25%.

Tổng thống Brazil Jair Messias Bolsonaro cho biết ông sẽ ký một gói viện trợ 60 tỷ reais (khoảng 10,77 tỷ USD) trong tuần này. Cơ quan xếp hạng Moody's cho rằng suy thoái kinh tế của Brazil có thể nghiêm trọng hơn dự kiến và GDP sẽ giảm 5,2% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1900 đến nay được ghi nhận. Triển vọng xếp hạng nợ có chủ quyền của Brazil rất khó duy trì ở mức "ổn định".

Trong vài tháng qua, Tổng thống Bolsonaro, người coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu, đã xung đột với các thống đốc bang và các chuyên gia y tế chủ trương giãn cách xã hội tại gia. Tuần trước, ông còn tuyên bố các phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện là "dịch vụ cơ bản thiết yếu" và vẫn được mở cửa trong thời gian dịch bệnh.

Hôm 20/5, Bộ Y tế Brazil đã phê duyệt phương án điều trị bằng chloroquine, cho phép các bệnh viện công sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân nhẹ. Những loại thuốc này đã trở nên nổi tiếng sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến và đích thân "dùng thử nghiệm", nhưng chúng hiện vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng y tế và chưa có thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nào khẳng định hiệu quả của chúng. Bolsonaro cũng nói rằng ông đã để lại một hộp hydroxychloroquine cho mẹ mình sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Hai quyết định này của ông Bolsonaro dường như không thể chịu đựng được đối với ông Nelson Teich, Bộ trưởng Bộ Y tế mới bổ nhiệm gần đây. Nelson Teich lập tức tuyên bố từ chức, nói rằng ông cảm ơn tổng thống vì đã cho ông cơ hội làm bộ trưởng và ông đã làm hết sức mình.

Theo truyền thông Brazil, ông Teich đã từ chức chính xác vì bất đồng giữa ông với Tổng thống Bolsonaro. Ông Nelson Teich cho rằng mọi người nên cách ly ở nhà của họ. Các phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện đã mở cửa trở lại mà không hỏi ý kiến bộ Y tế và sự bất đồng trong việc sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine để điều trị COVID-19 là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Điều đáng chú ý là Nelson Teich đã là bộ trưởng Y tế thứ hai rời khỏi chức vụ trong lúc đang diễn ra đại dịch ở Brazil. Mặc dù vị bộ trưởng tiền nhiệm là Luiz Mandetta được công chúng đánh giá cao, nhưng ông đã bị cách chức vào giữa tháng 4 vì không thể đạt được nhất trí với ông Bolsonaro về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế mới sẽ là tướng quân đội Eduardo Pazulo, một  người không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực y tế.

Tổng thống Jair Bolsorano, người bị phê phán sai lầm trong chính sách chống dịch