BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ: Chậm tăng làn, phí giảm chưa tương xứng

TP - Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dự kiến giảm 25% giá vé vào 15/10 tới. Tuy nhiên, theo các lái xe và chuyên gia, việc giảm phí này chỉ có ý nghĩa xoa dịu dư luận. Bởi, đây là tuyến đường mới nâng cấp trên nền cũ, lưu lượng xe cao, di chuyển chậm nên chưa xứng đáng phải trả phí bằng giá cao tốc. Trong khi đó, việc mở rộng thêm làn xe gần như chắc chắn vỡ kế hoạch…
Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ. Ảnh: Như Ý.

Chạy tốc độ thấp, trả phí cao

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường trọng yếu nhất đối với thủ đô Hà Nội, tiếp nhận hầu hết các phương tiện từ miền Nam, miền Trung và các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng về với Hà Nội. Chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với 3 cổ đông chính là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Minh Phát, Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco1) và Công ty Phương Thành.

Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ. Ảnh: Như Ý.

Tình trạng ùn tắc trên tuyến này đã thường xuyên xảy ra trước năm 2014 khi dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa triển khai. Hiện nay, dù giai đoạn 1 của dự án này được đi vào hoạt động khai thác, mặt đường được làm lại, nhưng số làn xe vẫn giữ nguyên nên tình trạng di chuyển chậm, ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên.

Thử nghiệm chạy xe trên tuyến vào khoảng 15 h  ngày 4/6 cho thấy, tốc độ di chuyển của ô tô chỉ đạt trung bình 50 - 60 km, trong khi tốc độ tối đa của tuyến này cho phép chạy 100 km/h. Dù thử nghiệm vào giờ thấp điểm nhưng xe chúng tôi khó có thể chuyển làn vượt các xe phía trước, vì lượng phương tiện quá đông.

Theo hợp đồng BOT được ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, việc mở rộng tuyến đường hiện hữu từ 4 lên 6 làn phải kết thúc vào năm 2017, bắt đầu khai thác vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch này gần như phá sản.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng GĐ Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ cho hay, hiện tại dự án đang tích cực triển khai, nhưng sẽ khó về đích đúng hạn vì vướng mặt bằng. “Tổng mặt bằng hiện có chỉ đạt 85% kế hoạch, có mặt bằng đến đâu, nhà thầu thi công đến đấy. Thậm chí, có những điểm chưa giải phóng kịp, nhà thầu bỏ tiền thuê luôn mặt bằng đó để thi công. Tuy nhiên, dù UBND TP Hà Nội nỗ lực nhưng tiến độ bàn giao mặt bằng vẫn bị chậm” - ông Nhận nói.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện Bộ GTVT quản lý dự án này cũng xác nhận, hiện tại, do vướng mặt bằng, tuyến đường có khả năng bị chậm so với hợp đồng. Ông Bình cũng thừa nhận lưu lượng trên tuyến này lớn, dù phí phải trả của người tham gia giao thông ở mức 1.500 đồng/km, bằng các tuyến cao tốc khác.

Chỉ 2 năm thu gần đủ vốn

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ  dài khoảng 29km, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án là 6.731 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 1.974 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 33,5m; đồng thời, xây dựng đường gom song hành hai bên. Mức đầu tư giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng.

Mới đây, để giảm áp lực về phí đường đối với người tham gia giao thông, Bộ GTVT chính thức thông báo giảm 25% giá vé trên tuyến này, thời gian thu phí dự án dự kiến giảm gần 2 năm. Tuy nhiên, dự án này sẽ tăng trở lại với mức tăng 18% và sau đó 3 năm tăng một lần, mỗi lần
tăng 18%.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay: “Phương án tài chính trước đây xây dựng dựa trên dự báo lưu lượng. Tuy nhiên, lưu lượng xe tăng nhanh hơn thực tế dẫn đến nguồn thu tốt hơn phương án tài chính đưa ra. Hiện mỗi ngày doanh thu dự án đạt khoảng 2 tỷ đồng, trong khi phương án thu đặt ra ở mức thấp hơn”.

Trong khi đó, tại kết luận mới đây, Thanh tra Chính phủ lại yêu cầu giảm phí, căn cứ vào giai đoạn của dự án, không chỉ căn cứ vào lưu lượng phương tiện gia tăng. Cụ thể, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu: “Dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ-Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân” và yêu cầu: “Đối với giá thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cần thực hiện ngay việc điều chỉnh giảm tương ứng với vốn đầu tư giai đoạn 1”. 

Cho đến nay, việc thu phí của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thực hiện tròn 2 năm (từ ngày 6/10/2015). Nếu tính trung bình thu 2 tỷ đồng/ngày, tổng doanh thu của dự án đạt 1.460 tỷ đồng. Vậy, chỉ khoảng 8 tháng nữa sẽ chạm mốc tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (1.974 tỷ đồng).

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh cho rằng, với một dự án chưa đầy 3 năm đã thu hồi vốn cho thấy mức phí của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay đang đặt ra quá cao, gây sức ép cho người tham gia giao thông, chưa kể dự án này sẽ tiếp tục tăng phí thời gian tới.

Ông Thanh đề nghị, Bộ GTVT, chủ đầu tư và các bộ, ngành liên quan sớm quyết toán dự án này nói riêng và dự án BOT nói chung để có cơ sở đưa ra phương án giảm mức thu, giãn thời gian thu phí  thích hợp.

Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 25% GDP hằng năm, cao hơn đáng kể so với tỷ trọng 19% của Thái Lan, 18% của Trung Quốc, 13% của Malaysia và cao gần gấp ba lần nếu so với Mỹ hay Singapore.