Không thực hiện giao dịch, tiền trong thẻ vẫn mất
Mới đây, chị Hoàng Thị Hồng Hạnh – chủ thẻ của Ngân hàng V. phản ánh việc thẻ ATM của chị đang ở Việt Trì (Phú Thọ) nhưng lại bị rút mất tiền ở tận… Sài Gòn với 10 lần giao dịch rút tiền nhưng thành công 9 lần, tổng số tiền bị rút là 18 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Tấn Thạnh - chủ thẻ ATM của ngân hàng Đ. cũng phản ánh việc tài khoản đã bất ngờ bị rút liên tục trong vòng 2 phút với tổng số tiền 20 triệu đồng tại một cây ATM của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tại Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Theo khách hàng này, thẻ của anh vẫn ở trong ví vào thời điểm phát sinh giao dịch. Sau đó, Ngân hàng Đ. đã có văn bản trả lời nêu rõ: Vào thời điểm thực hiện 10 giao dịch nói trên, camera đã ghi được dữ liệu hình ảnh nhưng do đối tượng cố tình che camera nên không nhìn được rõ mặt người thực hiện giao dịch. Tương tự là trường hợp của ông Cù Đình Thắng ở Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh - chủ thẻ ATM của ngân hàng quốc doanh V cũng bị rút tiền 7 lần với tổng cộng 14 triệu đồng.
Trên đây chỉ là một vài vụ việc trong số rất nhiều người dùng thẻ ATM bỗng nhiên nhận được tin nhắn tài khoản bị rút tiền trong khi không hề thực hiện giao dịch. Điểm chung là các giao dịch rút tiền trong tài khoản được diễn ra liên tục trong thời gian ngắn khiến chủ thẻ chưa kịp gọi điện đến ngân hàng thông báo khóa thẻ thì số tiền đã bị rút hết. Đồng thời, các đối tượng rút tiền cũng dùng nhiều thủ đoạn che camera để tránh việc nhận diện khuôn mặt nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra. Chưa kể đến, các giao dịch rút tiền đều diễn ra ở Tp. Hồ Chí Minh dù khách hàng không có mặt tại đây.
Theo các chuyên gia về thẻ, rất có thể thẻ của những khách hàng trên đã bị lộ thông tin số thẻ, tên, mã PIN khi thực hiện các giao dịch mua hàng qua mạng hay rút tiền tại các máy ATM bị gắn thiết bị theo dõi, copy thẻ. Sau đó, kẻ gian chỉ việc làm giả 1 thẻ y hệt là có thể dễ dàng rút tiền của khổ chủ với các thông tin chính xác 100%, qua mặt cả ngân hàng. Hiện tượng thẻ bị làm giả để sử dụng thanh toán, rút tiền trên máy ATM không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều nước trên thế giới với các cấp độ khác nhau.
Gần đây nhất, ngày 22/4/16, Công an Hà Nội đã bắt 3 đối tượng người Trung Quốc đang có hành vi hành vi dùng máy tính lấy cắp dữ liệu của máy ATM để rút trộm tiền thu giữ tại chỗ hơn 62 triệu đồng, 1 máy tính xách tay, 1 máy làm thẻ, 2 bộ đọc trộm mã thẻ ATM, 1 camera và 173 thẻ ATM. Trước đó, tháng 11/2015, Công an Khánh Hòa cũng bắt giữ 3 đối tượng quốc tịch Nga để điều tra hành vi sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản. Hàng loạt vụ lấy cắp thông tin thẻ cũng đã được cơ quan công an điều tra và bắt giữ.
Những nguyên tắc bảo vệ tiền trong thẻ ATM
Để hạn chế tới mức thấp nhất rủi ro khi sử dụng thẻ ATM, các chủ thẻ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của ngân hàng. Các ngân hàng khuyến cáo chủ thẻ cần thực hiện đúng một số nguyên tắc sau để tránh trường hợp mất tiền oan:
Thứ nhất, phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin thẻ, không tiết lộ mật mã hay cho người khác mượn thẻ ATM hoặc có thể đổi mật mã thẻ thường xuyên. Chủ thẻ phải cẩn thận, luôn giữ thẻ bên người, không đặt mật mã bằng các thông tin dễ có sẵn trong ví như ngày sinh, số CMND, biển số xe… để tránh tình trạng khi mất ví, thẻ sẽ bị kẻ gian lợi dụng.
Thứ hai, cần quan sát kỹ trước khi thực hiện giao dịch tại máy ATM để phát hiện những dấu hiệu đáng nghi như bị gắn camera quay lén hoặc thiết bị lấy cắp thông tin thẻ. Đồng thời, khi nhập mã PIN, khách hàng cần dùng tay che chắn để tránh lộ mật khẩu trong trường hợp cây ATM bị gắn camera.
Thứ ba, khách hàng nên kiểm đếm lại tiền để tránh trường hợp máy trả thiếu tiền, máy nuốt tiền, kiểm tra xem đã lấy lại thẻ chưa trước khi rời khỏi cây ATM. Khi đi rút tiền, nên chờ thông báo kết quả giao dịch trên màn hình ATM và chỉ rời đi khi màn hình ATM trở lại trạng thái bình thường.
Thứ tư, những chủ thẻ thường xuyên thanh toán trực tuyến cần cảnh giác vì thủ đoạn ăn cắp thông tin thẻ qua lây virus là rất phổ biến. Để hạn chế rủi ro này, chủ thẻ phải sử dụng phần mềm phòng chống virus trên máy tính, điện thoại. Nếu muốn vào các cổng thanh toán trực tuyến, khách hàng phải gõ địa chỉ trực tiếp vào trình duyệt, không nên bấm vào đường link được gửi qua email vì đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế. Đồng thời, chủ thẻ chỉ thanh toán online ở những website uy tín, không nên thanh toán ATM ở những website ít đảm bảo về độ bảo mật và an toàn của giao dịch.