Bồi dưỡng cho người bệnh
Khác với suy dinh dưỡng do thiếu ăn, người bệnh thường gầy hơn so với chuẩn. Người suy dinh dưỡng bệnh lý đôi khi có thể trọng bình thường mặc dù bị sụt cân trong một thời gian.
Bên cạnh đó, người suy dinh dưỡng bệnh lý còn có thể bị teo cơ - yếu cơ - giảm lượng mỡ dưới da, hoặc có các triệu chứng lâm sàng liên quan đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất khác cần qua thăm khám lâm sàng hay làm xét nghiệm (ví dụ albumin máu) mới có thể chẩn đoán được.
Thiếu dinh dưỡng, bệnh càng thêm bệnh
Khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn
Biếng ăn ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ ra sao? Cách nào để khắc phục?... Chương trình Sức khỏe của bạn phát lúc 18g ngày 29-11 trên m.tuoitre.vn giới thiệu chủ đề “Khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn” với khách mời là bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
Không ăn uống được là lý do đầu tiên gây ra suy dinh dưỡng bệnh lý, có thể do bệnh nhân chán ăn hoặc không thể ăn (khó nuốt, nuốt đau, viêm miệng, viêm niêm mạc thực quản, viêm dạ dày tá tràng, ung thư chèn thực quản...).
Thứ hai, có thể kể đến việc tăng nhu cầu dinh dưỡng do bệnh lý nền làm tăng nhu cầu chuyển hóa (phỏng diện rộng, chấn thương, sốt, nhiễm trùng, phẫu thuật lớn, dẫn lưu áp xe, lỗ dò...), mất chất dinh dưỡng kéo dài (hội chứng kém hấp thu, hội chứng ruột ngắn, lọc thận...), sử dụng thuốc có tác dụng dị hóa (thuốc corticoid, chống ung thư, ức chế miễn dịch...), nôn ói kéo dài (chán ăn tâm thần, xạ trị, hóa trị trong ung thư), bệnh mãn tính (AIDS, đái tháo đường, đột quỵ, ung thư)...
Hậu quả cơ thể thiếu hụt nhiều vitamin, khoáng chất. Chưa kể cơ thể thiếu cung cấp năng lượng, phải sử dụng lượng mỡ và cơ dự trữ dẫn đến teo cơ và lớp mỡ dưới da. Vì vậy, suy dinh dưỡng bệnh lý làm bệnh nặng thêm, suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ bội nhiễm, tăng biến chứng, tăng thời gian nằm viện và tăng nguy cơ tử vong.
Chăm sóc thế nào?
Khó khăn trong điều trị suy dinh dưỡng bệnh lý là bệnh nhân thường có các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh nền, ví dụ như sốt, đau, khó chịu trong người... và thường kèm theo mệt mỏi, chán ăn, khó ăn. Bên cạnh đó, các yếu tố như việc sử dụng thuốc hay các thủ thuật điều trị cũng ảnh hưởng đến chức năng hệ tiêu hóa, đến khẩu vị và tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân.
Chế độ ăn cụ thể còn tùy thuộc từng trường hợp bệnh lý. Tuy nhiên nên chú ý các nguyên tắc chung.
Đầu tiên phải tính toán và cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân, đặc biệt là năng lượng và chất đạm (ưu tiên sử dụng đạm trong trứng, sữa và thịt cá). Giảm đạm trong máu là nguyên nhân quan trọng gây ra các vấn đề suy giảm chức năng khác trong cơ thể.
Để bệnh nhân ăn đủ năng lượng và dễ hấp thu, tránh rối loạn tiêu hóa cần chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, dùng nhiều gia vị chế biến giúp các món ăn đậm đà, nấu mềm dễ tiêu hóa. Ưu tiên thức ăn tươi sống, nhưng lưu ý bổ sung các loại sữa phù hợp bệnh lý do khả năng ăn uống không đủ nhu cầu.
Nếu bệnh nhân có thể dung nạp bằng đường ruột nên ưu tiên cho ăn bằng miệng, hạn chế nuôi ăn bằng truyền dịch vì sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và làm bề mặt niêm mạc ruột teo giảm chức năng, vi khuẩn tăng sinh.
Ngoài ra, có thể bồi dưỡng cho bệnh nhân các thảo dược thiên nhiên như nhân sâm, tổ yến. Theo khoa học, nhân sâm được chứng minh có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh nhiễm trùng, tác dụng lên hệ thần kinh trung ương làm bệnh nhân thấy hưng phấn hơn.
Ngoài ra, nhân sâm còn có tác dụng cải thiện đường huyết ở người mắc đái tháo đường. Tổ yến theo các nhà khoa học cũng có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống lão hóa và cung cấp nhiều acid amin thiết yếu, cũng như các khoáng chất có lợi cho sức khỏe như canxi, manhê, kẽm, mangan... Dùng tổ yến dưới dạng chưng cách thủy với đường phèn.
Cần tăng cường hệ miễn dịch
Tăng cường hệ miễn dịch giúp bệnh nhân đáp ứng với điều trị các bệnh nhiễm trùng tốt hơn, mau hồi phục hơn, tránh bội nhiễm một bệnh nhiễm trùng khi sức khỏe suy kiệt. Từ đó giúp giảm thời gian nằm viện, giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu...
Ngoài chất đạm có liên quan đến hệ miễn dịch, các chất sau cũng được quan tâm bổ sung cho bệnh nhân để tăng cường miễn dịch: arginine, kẽm, glutamine, selenium, vitamin A, vitamin E.
Kẽm có nhiều trong thịt đỏ hay con hàu, sò; arginine có nhiều trong các loại đậu hạt; glutamin có nhiều trong nguồn gốc động vật như thịt cá trứng sữa và trong các loại đậu hạt; selenium có nhiều trong đậu hạt, cá, nhuyễn thể... hoặc có thể dùng các loại thuốc chứa các chất này bổ sung cho người bệnh, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
ThS.BS Trần Quốc Cường
Theo Tuổi Trẻ