Bộ trưởng Tài Chính nói về những vấn đề “nóng”

TP - Dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, kinh tế khó khăn hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã làm gì để nuôi dưỡng nguồn thu; giám sát sự “bơm thổi” của chứng khoán và xử lý “bom nổ chậm” trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)? Tiền Phong có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về những vấn đề này.
Bộ Tài chính có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Bỏ những cơ chế, chính sách gây khó

Thưa ông, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, thậm chí vỡ nợ, Bộ Tài chính có cách nào để nuôi dưỡng nguồn thu?

Từ năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ gia hạn thuế GTGT, TNDN, TNCN, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế (TNDN, TNCN, thuế nhập khẩu, thuế BVMT), phí, lệ phí và tiền thuê đất, tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó đã gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, trước diễn biến dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định (số 52/2021/NĐ-CP) về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết (số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020) về giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 để hỗ trợ ngành hàng không; thực hiện giảm trên 30 loại phí, lệ phí giúp DN và người dân giảm bớt khó khăn trong đại dịch.

Trong những tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội) xem xét thông qua nghị quyết ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, trong đó giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2021 cho DN; miễn thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế GTGT đối với một số dịch vụ, miễn tiền chậm nộp phát sinh của năm 2020 và 2021; trình Thủ tướng ban hành Quyết định (số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021) về giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đề xuất trình Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế xuất nhập khẩu đối với một số nhóm hàng hóa để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp triển khai quyết liệt công tác quản lý thu, thực hiện ngay các giải pháp để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho DN và người dân vào cuộc sống.

Trong dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho DN phát huy tối đa nguồn lực (để đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh), thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu NSNN trong dài hạn. Trong đó, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, hoàn thiện, cơ chế, chính sách về thu ngân sách và quản lý thu theo hướng bao quát toàn bộ nguồn thu, không bỏ sót (nguồn thu), mở rộng cơ sở thuế, tăng cường tính minh bạch, chống chuyển giá, trốn thuế; rà soát, đồng bộ hóa cơ chế, chính sách thu NSNN với các chính sách khác, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân.

Cảnh báo “bom nổ chậm”

Ông nghĩ sao khi vài năm trước, có vị chuyên gia kinh tế phát biểu rằng “thu thuế như vặt lông vịt và làm sao để được nhiều lông nhất nhưng vịt kêu ít nhất”?

Tôi cho rằng so sánh như vậy không phản ánh được thực chất của chính sách thuế cũng như công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, đây là ý kiến của cá nhân nên tôi không bình luận thêm về nội dung này.

Trên thực tế, bên cạnh việc đảm bảo nguồn thu chủ yếu của NSNN, thuế phải là công cụ có hiệu lực góp phần quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, góp phần thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện thực tế, Bộ Tài chính tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh; có chính sách mở rộng cơ sở thuế, nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN, đặc biệt trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Để doanh nghiệp thực sự “tái sinh”, hồi phục sau đại dịch, theo ông những bộ ngành nào phải xắn tay vào việc?

Tôi cho rằng, không phải việc của riêng bộ ngành nào, mà cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, mỗi bộ, ngành quản lý theo từng lĩnh vực được phân công phải chủ động tham mưu cho Chính phủ các chính sách không chỉ hỗ trợ hiệu quả nhất cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn tạo động lực để phát triển.

Từ khi ông nhận chức “tư lệnh” một ngành quan trọng bậc nhất, người dân đã thấy nhiều cảnh báo về nguy cơ xảy ra “bom nổ chậm” TPDN. Bộ Tài chính đã dự cảm điều đó, thưa ông?

Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường vốn. Đến cuối năm 2020, quy mô thị trường này đạt 132% GDP thu hẹp khoảng cách đáng kể với thị trường tín dụng ngân hàng (143% GDP); trong đó, quy mô thị trường cổ phiếu đạt 84,1% GDP, gấp 3,8 lần so với năm 2015; thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho NSNN, đạt 28,3% GDP, gấp 2,6 lần so với năm 2015; thị trường TPDN đang dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các DN, quy mô đạt 17,08% GDP gấp 7,5 lần so với năm 2015. Đây là những kết quả quan trọng trong phát triển thị trường vốn thời gian vừa qua.

Đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ, gần đây có sự tăng trưởng nóng, Bộ Tài chính đã phân tích, nhận định tình hình, đánh giá rủi ro để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành khung pháp lý thống nhất (về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp).

Để tăng cường quản lý giám sát hoạt động chào bán, cung cấp dịch vụ này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đẩy mạnh kiểm tra giám sát, thành lập ngay các đoàn kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ, ngành liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) thực hiện giám sát liên thông giữa thị trường TPDN-bất động sản - tín dụng ngân hàng trong tổng thể hoạt động của thị trường tài chính.

Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng đánh giá tình hình thị trường TPDN và các rủi ro tiềm ẩn để tiếp tục hoàn thiện chính sách nhằm phát triển thị trường an toàn, công khai, minh bạch.

Còn tình trạng “bơm thổi” chứng khoán của một số DN nữa thì sao, thưa ông?

Ngay từ khi thành lập thị trường, cơ quan quản lý đã quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với hành vi thao túng, làm giá chứng khoán.

Từ năm 2016 đến nay, UBCKNN đã triển khai 71 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch cổ phiếu có dấu hiệu bất thường; trong đó tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, UBCKNN đã triển khai 10 đoàn, hiện chuẩn bị triển khai tiếp 2 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch và sẽ tiếp tục triển khai nhiều đoàn kiểm tra giao dịch cổ phiếu khác.

UBCKNN phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc thao túng cổ phiếu. Từ năm 2016 đến nay, UBCKNN chuyển các cơ quan công an hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch có dấu hiệu bất thường 32 mã cổ phiếu. Đến nay, căn cứ kết quả phối hợp, 21 vụ việc đã có kết quả xử lý.

Trân trọng đóng góp của nhân dân

Là đơn vị quản lý Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19, ông thấy trách nhiệm mình thế nào? Sự đóng góp của người dân và DN trong bối cảnh khó khăn sẽ được ghi nhận ra sao, thưa ông?

Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng khi Thủ tướng thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, đông đảo người dân và DN đã hưởng ứng, sẵn sàng đóng góp. Đến cuối tháng 9/2021, quỹ đã nhận được 8.779 tỷ đồng và đã chi gần 4.500 tỷ đồng cho việc mua vắc-xin. Đây là nguồn lực hết sức quý báu cùng với NSNN đảm bảo nguồn lực mua vắc-xin tiêm cho toàn dân và hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất (vắc-xin).

Đây là quỹ của những tấm lòng vàng, lòng nhân ái, là trách nhiệm, là tình thương. Vì vậy, Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, minh bạch, và sử dụng quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất cho nhân dân. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là mệnh lệnh từ trái tim.

Cảm ơn ông!