Trực tiếp ra đồng kiểm tra mạ tại làng Vũ Xá, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam), Bộ trưởng Cường đánh giá cao các cấp chính quyền ở Hà Nam đã linh động thay đổi lịch gieo mạ chậm hơn thường lệ 5-6 ngày do điều kiện thời tiết nắng ấm.
“Vụ Xuân thường chúng ta gieo tốt nhất là xung quanh thời điểm 20/1. Năm nay trước tình hình nắng ấm, nhiều địa phương như Hà Nam đã chỉnh lịch, gieo xung quanh ngày 25-26/1. Việc điều chỉnh này rất tốt”- Bộ trưởng nói.
Do điều kiện thời tiết nắng ấm, Bộ trưởng Cường cũng dặn bà con bỏ ni lông che mạ, tập trung chăm sóc để mạ phát triển tốt để chuẩn bị ra Tết sẽ gieo cấy.
Trên cánh đồng thôn Đô Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, dù Tết đã cận kề nhưng bà con nông dân vẫn tranh thủ thời tiết nắng ấm để phát bờ, dọn cỏ. Những chiếc máy bừa làm đất đang chạy hết tốc lực để chuẩn bị sẵn sàng cho việc gieo cấy lúa từ mùng 7/2 (tức mùng 3 Tết Kỷ hợi 2019).
Năm nay tỉnh Hà Nam gieo trồng hơn 35.000 ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa vụ xuân là 30.000ha, còn lại là cây rau màu. Địa phương cũng đã chủ động lấy nước đổ ải, đến nay diện tích có nước vào khoảng gần 29.600 ha, đạt trên 96% kế hoạch.
Qua kiểm tra thực tế tại Hà Nam, Bộ trưởng Cường cho biết, vụ Xuân năm nay có hai cái lợi: một là các địa phương đã chủ động lùi thời gian gieo mạ. Hai là các địa phương đã tập trung lấy nước đổ ải đạt tiến độ tốt.
“Dự kiến kết thúc đợt xả lấy nước thứ 2, sẽ có khoảng 80% diện tích đủ nước. Đây là một trong những năm mà chúng ta tập trung lấy nước tốt nhất, hạn chế được nước của sông Đà xả về, nhưng chúng ta tận dụng triều cường và tất cả các địa phương ở hạ du đã đồng loạt dùng hệ thống thủy lợi và tích cực công tác nội đồng” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, năm nay thời gian giữ ải ngắn, ít có đợt rét, đây là những yếu tố bất lợi. Tỉnh Hà Nam đã làm tốt việc tổ chức lấy nước, làm đất, gieo mạ chuẩn bị cho sản xuất vụ Xuân 2019. Tuy nhiên, sản xuất vụ Xuân có thắng lợi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy cần chủ động các giải pháp đối phó với tình hình thời tiết bất thuận; thực hiện hiệu quả việc chăm sóc lúa sau cấy, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh.
Theo Bộ trưởng Cường, vụ Xuân đối với đồng bằng sông Hồng nói riêng và khu vực phía Bắc có ý nghĩa rất quan trọng vì vùng này bình quân đất trên đầu người rất ít. Thế nên vụ lúa Xuân này là vụ lúa quyết định 65% sản lượng của cả năm cây lương thực của vùng này.
Theo thống kê của các địa phương, đến 16h ngày 1/2, diện tích đã lấy nước ở các tỉnh trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã đạt gần 432.000 ha, đạt gần 80%. Trong đó, các địa phương đã lấy nước đạt tỷ lệ cao như Hà Nam trên 98%; Nam Định 97%; Phú Thọ 91%; Ninh Bình 91%; Thái Bình 88%; Hưng Yên 84%; Hải Phòng 77 Hải Dương 75%; Hà Nội 56%; Vĩnh Phúc 53%; Bắc Ninh 50,74%