Bất động sản lại tiếp tục xuyên đáy
BĐS thời nhanh - chậm quá đều... chết!
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng chính việc tồn đọng các căn hộ làm ách tắc nền kinh tế, dẫn đến nợ xấu, dư nợ bất động sản gia tăng. Hiện tại, nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp dù đã hạ giá đến 30% vẫn không ai mua.
“Trong vấn đề này trách nhiệm của Bộ Xây dựng tới đâu? Bộ trưởng cho biết số lượng và số vốn bất động sản tồn đọng? Những năm tới có giải quyết được lượng hàng tồn đọng không?”, ông Hùng hỏi.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời là tính đến ngày 30.8, xét theo tiêu chí căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa bán được, chưa có ai thuê thì cả nước còn tồn hơn 16.000 căn hộ chung cư, hơn 5.100 căn hộ thấp tầng và hơn 1,62 triệu m2 đất nền… Tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản ước tính khoảng 40.750 tỉ đồng.
Bộ trưởng cho hay việc thị trường đóng băng, tồn kho lớn là do các công trình phát triển tự phát, chủ yếu chạy theo phong trào, thiếu quy hoạch. Dự án nhà đất quá nhiều, vượt xa so với với nhu cầu thật của thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, điều đáng lo ngại của thị trường bất động sản Việt Nam chính là việc cơ cấu không hợp lý. Theo đó, thị trường thừa những sản phẩm cao cấp, trung bình nhưng lại thiếu các dự án dành cho người thu nhập thấp.
Theo ông Dũng, để tháo băng bất động sản, cần phải rà soát, phân loại toàn bộ dự án nhà đất. Dự án nào chưa giải pháp phóng mặt bằng thì phải dừng lại. Dự án nào đã giải phóng mặt bằng thì giãn tiến độ. Đối với dự án nào đang xây dựng thì cần phải cơ cấu lại sản phẩm bất động sản cho phù hợp.
“Cần phải cơ cấu lại các dự án bất động sản để phù hợp với khả năng thanh toán của người dân có thu nhập thấp”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng cho hay cần phải chuyển một số dự án sang dự án nhà ở xã hội với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngân hàng cũng cần tiếp tục cho vay đối với người mua nhà lần đầu, nhà ở xã hội và cần giảm thuế GTGT nhằm tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Chất lượng công trình: Phải giám sát chặt chủ đầu tư
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết trong nhiều năm qua, các công trình xây dựng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước. Nhưng những vấn đề lãng phí chất lượng công trình vẫn còn tồn tại.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để xảy ra vấn đề chất lượng công trình không đảm bảo là do thể chế liên quan đến đầu thầu, quy hoạch, xây dựng còn chưa được hoàn thiện. Ngoài ra, công tác kiểm soát chủ đầu tư còn yếu kém. Có nhiều công trình được xây dựng lên sau đó mới làm quy hoạch. Điều này khiến kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều lúc lớn hơn cả kinh phí đầu tư cho dự án.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định quản lý các công trình xây dựng, trong đó quy định các cơ quan quản lý chuyên ngành phải thẩm tra các dự án trước khi giao cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải công khai và tăng cường giám sát để loại ra các chủ đầu tư yếu kém, nên khuyến khích người dân tham gia giám sát đối với các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách, nhà nước.
“Như dự án Sông Tranh 2 vừa qua được người dân chú ý, nhiều nhà khoa học phản biện nên chắc chắn dự án này sẽ được nhiều cơ quan chức năng quan tâm”, ông Dũng nêu ví dụ.
“Vi phạm ở Tập đoàn Sông Đà là câu hỏi khó”
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã lúng túng khi nhiều chất vấn của các đại biểu quốc hội xoay quanh những vi phạm của Tập đoàn Sông Đà.
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) chất vấn: “Các công ty, công trình xây dựng của Nhà nước vừa qua gây thất thoát nhiều đã tạo bất bình trong xã hội. Mới đây là kết luận thanh tra về nhiều sai phạm của Tập đoàn Sông Đà. Vậy với vai trò là bộ chủ quản, Bộ trưởng xác định trách nhiệm của mình thế nào trong những sai phạm trên và xử lý thế nào?".
“Về Tập đoàn Sông Đà, đây là câu hỏi khó”, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định sau khi đã trả lời những “câu hỏi dễ” khác trước khi bước vào trả lời chất vấn về Tập đoàn Sông Đà.
Theo ông Dũng, số tiền 10.676 tỉ đồng sai phạm ở Tập đoàn Sông Đà “có những vấn đề nguyên tắc chứ không phải thất thoát”.
“Số tiền này không phải là mất đi mà do vi phạm các vấn đề nguyên tắc”, Bộ trưởng nói.
“Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Sông Đà nộp bổ sung ngân sách những số tiền đầu tư không đúng quy định”, Bộ trưởng Dũng trả lời chất vấn của đại biểu về hướng xử lý.
Về trách nhiệm của từng cá nhân, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ Xây dựng đã yêu cầu xem xét, nếu đúng mức độ kỷ luật thì sẽ kỷ luật theo đúng quy định.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng phải "nhờ" trợ giúp: “Mong Thanh tra Chính phủ nói rõ hơn vì Thanh tra Chính phủ trực tiếp làm".
Về việc xác định trong ngành xây dựng có bao nhiêu công ty để thất thoát vốn, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết: “Câu hỏi của đại biểu chúng tôi đã có đầy đủ nhưng chúng tôi để ở nhà” và mời đại biểu sang Bộ Xây dựng để có câu trả lời.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết vi phạm của Tập đoàn Sông Đà là 10.676 tỉ đồng gồm nhiều vi phạm lớn như sử dụng quỹ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích; không hạch toán vốn và lợi nhuận công ty nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần; đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ...
Sau khi có kết luận thanh tra, tập đoàn này đã có phương án khắc phục vi phạm để nộp lại ngân sách 5.000 tỉ đồng, đồng thời, chờ ý kiến các bộ liên quan cho chủ trương để nộp khắc phục 5.000 tỉ.
“Tuy nhiên, đến nay việc quy trách nhiệm vẫn chưa tiến hành”, ông Tranh cho biết.