Công văn số 10691/BTC-QLG do Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa vừa ký, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khi tính giá cơ sở làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước phải thống nhất cách tính giá cơ sở theo đúng quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC.
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp khi tính giá cơ sở làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước phải thống nhất cách tính giá cơ sở theo đúng quy định như tính theo công thức; theo các định mức thuế, phí, quỹ Bình ổn giá, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức và các loại thuế, phí khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chu kỳ bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới cũng phải đảm bảo, việc tính giá cơ sở theo các chu kỳ khác chỉ mang tính chất tham khảo.
Khi kiến nghị điều hành, phải dựa trên cơ sở mức giá tính bình quân 30 ngày. Phải căn cứ diá xăng dầu thế giới theo công bố của Bản tin Platt’s để tính toán giá cơ sở với các sản phẩm xăng RON 92 (Mogas 92), dầu diesel, dầu mazut.
Công văn được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp đã 2 lần điều chỉnh giá chỉ trong một tháng, sau khi được giao quyền chủ động trong việc tính toán, điều chỉnh giá xăng dầu theo diễn biến của thị trường. Lần điều chỉnh gần đây nhất là đợt tăng giá ngày 1-8, với mức tăng 900 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo nhiều dự đoán gần đây thì giá xăng trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 10 ngày tới. Nguyên nhân là giá xăng A92 những ngày qua trên thị trường thế giới tiếp tục “leo dốc” do nguồn cung hạn chế. Và đây là lần đầu tiên giá xăng A92 thế giới vượt mốc 120 USD/ thùng trong gần 3 tháng qua.
Theo tính toán của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) về mức lãi/lỗ hiện tại của các DN đầu mối xăng dầu thì kết quá cho thấy hiện tại doanh nghiệp lỗ 430 - 630 đồng/lít (theo quy định giá cơ sở bằng giá bình quân của 30 ngày trước đó). Còn nếu lấy giá cơ sở bằng giá bình quân của 10 ngày trước đó thì các DN đầu mối lỗ 600 - 1.200 đồng/lít.
Trước đó, do gặp sự cố ở phân xưởng công nghệ Cracking xúc tác (RFCC), nhà máy lọc dầu Dung Quất đã phải tạm dừng hoạt động bắt đầu từ chiều 8-8. Hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro đã mau chóng lên kế hoạch tìm nguồn hàng ở Singapore, Hàn Quốc, Trung Đông thay thế khi nguồn cung từ Dung Quất bất ngờ đứt đoạn.