Bộ BCVT: "Khẩn cấp khắc phục tuyến cáp TVH!"

Bộ BCVT vừa gửi công điện khẩn đến các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, các sở BCVT và doanh nghiệp viễn thông nhằm triển khai khẩn cấp các biện pháp khôi phục tuyến cáp TVH và bảo vệ tuyến cáp biển còn lại.
Mẫu cáp quang biển bị thu giữ tại Kiên Giang.

Ngày 5/6/2007, Bộ BCVT vừa gửi đến các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp viễn thông và sở BCVT các tỉnh ven biển  công điện khẩn số 1149/BBCVT-VT do thứ trưởng Lê Nam Thắng ký đề cập trực tiếp đến việc sửa chữa và khôi phục thông tin liên lạc cho tuyến cáp TVH. Công điện khẩn nhấn mạnh hai nội dung quan trọng:

"VNPT cần tập trung nguồn lực phối hợp chặt chẽ với các đối tác nước ngoài khẩn cấp sửa chữa tuyến cáp TVH trong thời gian ngắn nhất, báo cáo thường xuyên về Bộ BCVT và các đơn vị liên quan" và "Vụ viễn thông phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tạo điều kiện nhanh nhất cho các tầu cáp sửa chữa của nước ngoài vào vùng biển Việt Nam khắc phục sự cố."

Ngoài ra, công điện khẩn cũng nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn cho tuyến cáp quốc tế SMW3 và các tuyến cáp quang khác trên biển.

Sẵn sàng bắt giam và xét xử

Với vai trò đảm bảo hơn 80% lưu lượng thông tin liên lạc đi quốc tế, việc tuyến cáp TVH bị cắt trộm, tuyến cáp quang biển duy nhất còn lại (SMW3 có điểm cặp bờ tại Hoà Hải – Đà Nẵng) cũng có thể bị xâm hại, đang đặt Việt Nam trước nguy cơ bị "cô lập" thông tin với thế giới.

Việc khắc phục sự cố tuyến cáp đã bị cắt trộm là cấp bách, nhưng việc đảm bảo an ninh cho tuyến cáp còn lại càng không thể xem nhẹ. Liên Bộ (Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng và Bộ BCVT) đã chính thức vào cuộc.

Công điện khẩn của Bộ BCVT chỉ đạo cụ thể cho VNPT cung cấp chính xác toạ độ, bản đồ cho Bộ Quốc phòng tiến hành tuần tra cáp quang biển. Đồng thời chủ động phối hợp chính quyền và công an địa phương kiểm tra bảo vệ trạm cập bờ của các tuyến cáp.

Đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ BCVT phải chủ động cung cấp thông tin về các tuyến cáp  quang bị xâm hại cho các cơ quan pháp luật có liên quan, phục vụ công tác xác minh, giám định, điều tra xử lý các hành vi xâm hại cáp quang biển.

"Thanh tra Bộ BCVT phối hợp với Bộ Công an giám định, điều tra, xác minh và đưa ra xét xử nghiêm các hành vi xâm hại cáp quang biển theo quy định Pháp luật hiện hành về phá hoại các công trình thông tin liên lạc quan trọng của Quốc gia" - Công điện khẩn nhấn mạnh.

Tăng cường truyền thông

Tang vật cáp quang biển cắt trộm bị giữ tại Công an tỉnh Kiên Giang.

Một trong các hoạt động khác cần tiến hành ngay là tăng cường truyền thông, nêu cao vấn đề chống xâm hại các tuyến cáp quang biển, cũng như tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ các tuyến cáp, là tài sản và huyết mạch thông tin quốc gia.

Bộ BCVT có chỉ đạo trực tiếp Công ty Thông tin điện tử Hàng Hải VN kết hợp phát sóng các thông báo ngắn về việc bảo vệ và nghiêm cấm các hành vi xâm hại cáp quang biển ngay sau các bản tin thời sự.

Đồng thời Trung tâm thông tin Bộ phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương (Đài truyền hình VN, Đài tiếng nói VN...) đẩy mạnh tuyên truyền ý thức tới người dân, đưa tin sát sao về việc xử lý các hành vi xâm hại cáp quang biển.

Các cơ quan truyền thông trong ngành như Báo điện tử VietNamNet, báo Bưu Điện, VNMedia, VNExpress, tạp chí BCVT & CNTT, truyền hình kỹ thuật số VTC cũng được chỉ đạo ưu tiên thời lượng trang bài để tăng cường truyền thông cho vấn đề này.

Hoạt động khác được Bộ hết sức quan tâm chỉ đạo là việc phổ biến tuyên truyền đến người dân ven biển. Hoạt động này dựa chủ yếu vào các đài truyền hình, phát thanh, các báo địa phương cũng như các Sở Tài nguyên môi trường, Thuỷ sản, Sở Văn hoá thông tin... các tỉnh ven biển.

Đẩy nhanh các dự án cáp khác

Đối với các tuyến cáp quang biển quốc tế khác thuộc các dự án đã được phê duyệt, Bộ BCVT đưa ra quan điểm các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, Công ty cổ phần viễn thông Sài Gòn, Công ty viễn thông Điện lực phải phối hợp chặt chẽ với đối tác nước ngoài để đẩy nhanh quá trình đầu tư, lắp đặt và đưa vào khai thác.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đang có hạ tầng mạng quốc tế cần sẵn sàng dự trù phương án các tuyến cáp quang biển còn lại tiếp tục gặp sự cố. Đặc biệt là tuyến SMW3.

"Cần xây dựng triển khai và báo cáo ngay các phương án điều tiết, giảm tải và khôi phục lưu lượng viễn thông quốc tế qua vệ tinh và cáp quag đất liền đi quốc tế trong trường hợp cáp quang biển bị sự cố. Rà soát, kiểm tra, bổ xung các quy định quản lý vận hành khai thác trang thíêt bị dự phòng..." - Công báo khẩn của Bộ nêu rõ!.

Theo VietNamNet