Chiều ngày 8/7, ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký công văn hỏa tốc về việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Công văn đề nghị, các đơn vị chuyên môn rà soát mở rộng thêm các khu cách ly tập đáp ứng từ 20 đến 30 nghìn chỗ. Khẩn trương chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất để đưa vào hoạt động khu cách ly tập trung trường Cao đẳng Y tế Bình Dương; Phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM trưng dụng khu A ký túc xá trường này làm khu điều trị COVID-19 và khu điều trị tại Đại học Quốc tế Miền Đông.
Các cơ quan, đơn vị có trụ sở tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương điều tiết giảm 70% số lượng cán bộ, công nhân viên làm việc tại cơ quan. Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm, giãn cách tại tòa nhà.
Bắt đầu từ ngày 9/7, Nhà khách UBND tỉnh Bình Dương không phục vụ cơm trưa theo yêu cầu cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị tiến hành cách ly y tế tại nhà 7 ngày đối với những người từ TP.HCM về địa phương (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ). Sau đó, tự tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong vòng 7 ngày và phải xét nghiệm 3 lần trong ngày đầu, ngày thứ 3 và thứ 6, trong thời gian tự cách ly.
Trong thời gian tự theo dõi sức khoẻ, yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đau họng hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn theo quy định.
Đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá ra, vào TP.HCM phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tính trong đợt dịch thứ tư này, Bình Dương ghi nhận 1.078 ca mắc COVID-19. TP Dĩ An; TP Thuận An; TX Tân Uyên và một số phường của TP Thủ Dầu Một thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương còn lại áp dụng Chỉ thị 15.