Biên giới Trung - Ấn lại nóng lên

TP - Ấn Độ đã thực hiện một chiến dịch nhằm chiếm giữ các tiền đồn chiến lược trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc, Bloomberg dẫn lời một số quan chức Ấn Độ cho hay.
Một trong những hình ảnh từ vệ tinh

Trong hành động mà họ gọi là động thái tấn công đầu tiên của Ấn Độ kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 5, trong vòng 6 giờ hàng nghìn binh sĩ đã leo lên các đỉnh núi để giành lấy các cứ điểm thuận lợi dọc theo bờ nam của Pangong Tso - một hồ băng có kích thước gần bằng Singapore. Hành động này được thực hiện để chống lại “sự xâm nhập của các lực lượng Trung Quốc”, các quan chức nói với yêu cầu không nêu danh tính do các quy tắc về phát ngôn.

Quyết định đánh chiếm vùng đất cao trước đây không có người ở dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (biên giới trong thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc ) dài 3.488 km đã làm sống lại một cuộc xung đột vốn đã dịu đi kể từ tháng Sáu. Khi đó, cuộc đối đầu giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc.

Trong khi đó, có thông tin nói rằng Trung Quốc đã bí mật bố trí thêm các hệ thống tên lửa phòng không gần biên giới Trung - Ấn.

Theo Forbes, sử dụng hình ảnh vệ tinh nguồn mở, các nhà quan sát tuyên bố phát hiện hai điểm đặt tên lửa đất đối không (SAM) mới ở thung lũng Chumbi của Tây Tạng, Trung Quốc, gần biên giới với bang Sikkim, đông bắc Ấn Độ.

Thung lũng Chumbi nằm trong khu vực từng là nơi xảy ra các cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2017 và 2020.

Các địa điểm đặt tên lửa mới chỉ cách nơi giao tranh biên giới từng xảy ra 50 km, theo một bức ảnh đăng trên Twitter. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy hai công trình hình vuông được bao quanh bởi các bức tường: mỗi công trình có một vị trí hình tròn chứa một hình trụ dài duy nhất giống như một tên lửa.

Tuy nhiên, một nhà phân tích của chính phủ Mỹ nói đây có lẽ không phải là những cài đặt mới. Theo Rod Lee, giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc của Không quân Mỹ, việc xây dựng bắt đầu vào mùa hè và mùa thu năm 2019.

Theo ông Lee, các công trình xây dựng vẫn chưa hoàn chỉnh, vì vậy rất khó để biết loại vũ khí nào sẽ được đặt ở đó. Nhưng nhiều khả năng chúng sẽ là HQ-9, tương đương với S-300 của Nga và Patriot của Mỹ. Với tầm bắn ước tính khoảng 300 km, HQ-9 khi được triển khai trong thung lũng Chumbi có thể đe dọa không quân Ấn Độ dọc theo biên giới giữa Sikkim và Tây Tạng, vùng đất Trung Quốc sáp nhập vào năm 1951.

Có thể Trung Quốc chỉ đơn thuần là xây dựng các địa điểm phòng không dự phòng, bị bỏ trống trừ khi cần thiết. Nhưng Trung Quốc cũng có thể đang xây dựng các địa điểm mới để tăng chiều sâu cho hệ thống phòng không bảo vệ các căn cứ không quân của PLAAF sâu hơn bên trong Tây Tạng. “Hầu hết các địa điểm chính hiện có của PLAAF đều nằm dọc theo xa lộ G318 chạy song song với biên giới, điều này không phù hợp để tạo ra các hệ thống phòng không nhiều lớp”, ông Lee lưu ý.