BIDV và ông Trần Quí Thanh không đồng ý hoàn trả hàng ngàn tỷ đồng

TP - Hôm nay (19/12), phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM xử vụ bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB, tiền thân là TrustBank, nay là CB), cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bước vào phần nghị án, chủ tọa thông báo ngày 25/12 tới tòa sẽ tuyên án.
Ngày 25/12 tới tòa sẽ tuyên án Ảnh: Tân Châu

BIDV bảo lưu quan điểm không chuyển trả 1.800 tỷ đồng

Bảo vệ quyền lợi cho BIDV, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên quyết định thu hồi số tiền trên 1.600 tỷ đồng từ BIDV trả lại cho CB vì có nguồn gốc được xem là vật chứng của vụ án. Về góc độ pháp lý, Luật sư Thiệp phân tích vào thời điểm giữa năm 2013, Tập đoàn Thiên Thanh đang có khoản nợ 2.600 tỷ đồng của BIDV. Để có tiền trả nợ ông Danh đã sử dụng 6 Cty do ông Danh thành lập làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng khác, rồi gửi số tiền 1.854 tỷ đồng vào ngân hàng và dùng khoản tiền gửi này đảm bảo cho các khoản vay của 6 Cty. Sau khi được giải ngân, số tiền 1.800 tỷ đồng đã được chuyển vào tài khoản của Cty Thiên Thanh Long Hải (600 tỷ đồng) và Tập đoàn Thiên Thanh (1.200 tỷ đồng), sau đó được chuyển tiếp vào tài khoản của ông Danh để trả nợ cho 2 khoản vay của BIDV như đã nêu ở trên.

Do cả 6 Cty của ông Danh này đều không trả được nợ nên VNCB đã phải dùng tiền gửi bảo lãnh để trả nợ khoản vay của 6 Cty, gây thiệt hại cho VNCB số tiền trên 1.800 tỷ đồng. Theo Ls Thiệp hành vi vi phạm của ông Danh và hậu quả thiệt hại của VNCB có mối quan hệ nhân quả, BIDV không có lỗi trong hành vi phạm tội của ông Danh. Việc án sơ thẩm đã quyết định thu hồi số tiền này từ BIDV là không đúng tối tượng, hoàn toàn không có căn cứ pháp lý và không thỏa đáng.

Đáng lưu ý là đặt dưới góc độ kinh tế, Luật sư Thiệp nói rằng với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, việc thu hồi số tiền trên 1.600 tỷ đồng đã khiến cho công chức, viên chức đang làm việc trong hệ thống ngân hàng, BIDV, rất hoang mang, lo ngại về tác động tiêu cực của quyết định này. Việc yêu cầu BIDV phải chịu trách nhiệm với thiệt hại do các bị cáo gây ra cho VNCB là không có căn cứ pháp luật, xâm hại rất nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn đến lợi ích của Nhà nước.

4.500 tỷ đồng có nguồn gốc rõ ràng

Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM, bào chữa cho ông Danh) tranh tụng với công tố khi đại diện VKS bảo lưu quan điểm đề nghị HĐXX tuyên CB không hoàn trả cho ông Danh 4.500 tỷ đồng. Theo Ls Hoài, bản án sơ thẩm tuyên thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng được xem như là của bị cáo Phạm Công Danh từ CB, trong đó khấu trừ trên 2.300 tỷ đồng được xem như đã thu hồi liên quan đến hành vi cố ý làm trái của bị cáo Danh trong vụ án này chỉ còn phải thu hồi từ ngân hàng CB số tiền trên 2.100 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ dân sự của bị cáo Phạm Công Danh trong cả giai đoạn 1, 2 của vụ án và các nghĩa vụ dân sự khác của bị cáo Phạm Công Danh.

Việc công tố đề nghị thu hồi số tiền này là không có căn cứ vì về nguồn gốc và quyền sở hữu tiền là của ông Phạm Công Danh và các cổ đông. Ông Hoài cũng cho rằng công tố mâu thuẫn với chính kết luận của CQĐT Bộ Công an. Tại văn bản ngày 16/10/2013 NHNN đã chấp thuận việc VNCB tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng theo phương án đã được thông qua. Ngày 26/12/2013, VNCB đã được Sở KH&ĐT tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới sau khi thay đổi vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.

Về nguồn gốc số tiền, ông Hoài dẫn chứng quá trình kiểm tra, giám sát đã chứng minh trong 4.500 tỷ đồng mà nhóm cổ đông mới do ông Phạm Công Danh làm đại diện có nguồn gốc từ vốn vay của BIDV 4.000 tỷ đồng và vay của hai ngân hàng khác. Ông Danh cũng đã nhiều lần khẳng định và Ls cũng đã chứng minh số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ VNCB đã thực chuyển vào Sở Giao dịch NHNN…

“Như vậy, nguồn gốc 4.500 tỷ đồng ông Phạm Công Danh cùng các cổ đông tăng vốn điều lệ VNCB đã được các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, xác định rõ ràng nguồn tiền được hình thành từ các Hợp đồng tín dụng, nhưng không có kết luận nào cho rằng là khống hay trái pháp luật. Cho dù trong trường hợp các quan hệ tín dụng bị coi là trái pháp luật thì thực tế nguồn tiền để góp vốn là có thật, đã được ghi nhận từ NHNN và CQĐT, không chỉ thuộc sở hữu và trách nhiệm của cá nhân ông Phạm Công Danh, mà còn của các cổ đông khác” - Luật sư Hoài trình bày.

Ông Trần Quí Thanh không đồng ý trả 194 tỷ đồng

Ngay sau khi công tố nêu quan điểm chấp nhận thu hồi 194 tỷ đồng từ ông Trần Quí Thanh trả cho CB như án sơ thẩm đã tuyên. Luật sư của ông Thanh tranh tụng rằng, số tiền 194 tỷ đồng này là giao dịch dân sự của Phạm Thị Trang (Trang “phố núi” - đang bị truy nã) trả cho Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), số tiền này chuyển vào tài khoản của ông Trần Quí Thanh tại EximBank. Không có căn cứ xác định tiền này xuất phát từ hành vi phạm tội của ông Danh.

Luật sư cũng cho rằng số tiền 194 tỷ đồng không phải là vật chứng của vụ án, không được thu giữ và bảo quản theo quy định trong các giai đoạn tố tụng. “Số tiền hơn 194 tỷ đồng xuất phát từ giao dịch hợp pháp, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng không có kết luận nào về giao dịch này là bất hợp pháp. Thậm chí ngay cả khi chấp nhận đây là tiền do Phạm Công Danh chuyển cho ông Thanh thì đó cũng là giao dịch hợp pháp” - Ls của ông Thanh tranh tụng.

Theo Luật sư thì không xác định được đường đi cuối cùng của số tiền hơn 194 tỷ đồng. Cho đến thời điểm hiện nay không thể hiện được điểm dừng số tiền này là ở đâu nhưng lại buộc ông Thanh trả lại số tiền này là bất hợp lý. Việc CB bị thiệt hại là do lỗi của CB đã để ông Danh sử dụng tiền ngân hàng không đúng chứ không phải do lỗi của những người đã giao dịch với ông Danh…