Vừa qua, tuy mới bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề, nhưng cá nhân, tổ chức bị tạm giữ các loại giấy tờ trên không được tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định, trong thời gian giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ (theo quy định tại Điều 125 Luật XLVPHC) thì cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn được thực hiện các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Việc tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề sẽ không làm ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động của tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không phụ thuộc vào thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Riêng đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề có liên quan đến quốc phòng, an ninh, người có thẩm quyền xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân xử lý.
Theo lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định), về xác định hình thức xử phạt chính, dự thảo Nghị định quy định theo hướng, đối với hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn có thể được quy định là hình thức xử phạt chính trong trường hợp thời hạn tước hoặc đình chỉ từ 12 tháng trở lên.
Đối với hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được quy định là hình thức xử phạt chính trong trường hợp giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm bằng hoặc vượt quá mức tiền phạt tối đa áp dụng đối với hành vi đó.
Để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc của quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành về lập biên bản, dự thảo Nghị định đã quy định rõ người có thẩm quyền lập biên bản: công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản và các chức danh cụ thể có thẩm quyền lập biên bản sẽ được quy định tại các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh, nếu một hành vi vi phạm hành chính đã được lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt thì không được lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi đó nữa.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định cũng quy định, ngoài việc nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước thì cũng có thể nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ và đại diện cảng vụ hàng không.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật XLVPHC trong phạm vi cả nước, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm báo cáo và nội dung cơ bản của báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quy định việc thống kê về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và quản lý cơ sở dữ liệu; việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn...