Bí quyết chọn thực phẩm chống ung thư

Chọn rau củ theo mùa, xuất xứ tại địa phương, không ham của ngon vật lạ trái mùa là nguyên tắc chọn thực phẩm của người tiêu dùng thông thái.

Chị Bùi Thị Thanh Hằng (Hà Nội), một người am hiểu về thực phẩm hữu cơ chia sẻ về cách lựa chọn thực phẩm, hàng tiêu dùng an toàn.

Rau xanh

Có hai loại rau là rau an toàn (có dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học nhưng cách ly đủ) như  rau Đà Lạt và rau khác nói chung theo tiêu chuẩn Vietgap và rau hữu cơ hoặc tự nhiên (không hóa chất, không thuốc trừ sâu). Ngoài ra, các gia đình có thể tự trồng rau ở vườn hoặc ban công.

Nếu có điều kiện, các gia đình tự trồng rau ở vườn hoặc sân thượng, ban công là an toàn nhất.

Hoa quả

Mùa nào thức nấy, luôn chọn mua hoa quả Việt Nam thay vì hoa quả nhập khẩu. Xem mã code (barcode) ghi trên sản phẩm nếu có đầu 9 là hoa quả hữu cơ.

Thịt, cá, trứng

Mua của những nguồn đảm bảo, không nuôi tăng trọng hoặc nếu có điều kiện thì tự nuôi phục vụ nhu cầu của gia đình.

Dầu rán

Không dùng dầu rán tinh luyện bán trong siêu thị. Hầu hết dầu rán tinh luyện trong siêu thị làm từ hạt đậu nành hoặc hạt hướng dương là hai loại đầu bảng về biến đổi gen. Nếu không từ những loại trên thì dầu tinh luyện cũng không tốt vì trải qua quá trình bóc tách, khử mùi... với vô vàn hóa chất khác nhau có hại cho sức khỏe.

Càng hạn chế dùng dầu rán càng tốt. Nhà chị Hằng chỉ dùng khoảng 1 lít dầu/tháng.

Thay vào đó, hãy mua dầu ép thủ công về sử dụng trong gia đình như dầu lạc, dầu vừng. Dầu lạc có nhược điểm là hơi khói nhưng nếu rán nhỏ lửa, có kiểm soát thì hoàn toàn khắc phục được. Ngon nhất là mua dầu lạc từ vùng Nghệ An hoặc Quảng Nam, Đà Nẵng và đặc biệt là dầu lạc làm từ lạc sẻ (loại lạc cổ, hạt bé, thơm ngon). Tốt nhất nên hạn chế món ăn dùng đến dầu và tăng các món hấp, luộc.

Nước mắm

Chọn mua các loại nước mắm có thành phần từ cá biển và muối, như Thuyền Nan, Thanh Hà, Nam Ô, Phụng Hưng... Nhiều loại nước mắm hiện nay đều làm từ phẩm màu, chất điều vị và phụ gia để tạo vị ngon, ngọt nhưng chứa hóa chất độc hại.

Đường

Thay vì dùng đường tinh luyện, hãy mua đường thô như đường thốt nốt, đường mật mía... Tuy nhiên, cũng giống như dầu rán, nên hạn chế các món ăn nhiều đường trong thực đơn gia đình.

Dùng đường thô, đường thốt nốt hoặc đường mía thay cho đường tinh luyện.

Gia vị

Nói không với mì chính, các loại gia vị mua sẵn chứa mì chính và chất phụ gia khác. Dùng muối tự chế từ muối hầm, muối rang. Làm ngọt nước bằng rau, củ, quả, thịt, cá.

Gạo

Luôn chọn loại gạo có nguồn gốc rõ ràng, gạo không đánh bóng. Một số loại tham khảo là gạo Nhân Thùy, Pamci, Hoa sữa...

Thực phẩm biến đổi gen GMO là những thực phẩm có nguồn gốc từ sinh vật đã được biến đổi gen thông qua các biện pháp kỹ thuật như đưa ADN của một loại, có thể là vi khuẩn, virut, động vật hay con người vào ADN của cây trồng, vật nuôi khác để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới. Hiện các quốc gia Châu Âu đang liên tục phản đối việc sử dụng loại thực phẩm này.

Danh sách đồ “cấm vận”

- Mì tôm, bim bim, bánh kẹo các loại.

- Nước uống có ga.

- Thịt nguội, xúc xích và các đồ ăn nhanh khác.

- Đường tinh luyện.

- Dầu rán tinh luyện.

- Thịt cá, rau củ quả không nguồn gốc.

- Thực phẩm biến đổi gen GMO: ngô ngọt Mỹ, đậu nành nhập khẩu, hầu hết tào phớ bán ở các chợ, cà chua đen...

Theo Theo Vietnamnet