Bị cáo mô tả lại nổ súng tại vườn ông Đoàn Văn Vươn

TPO-Chiều nay (29/7), phiên tòa xét xử bị cáo Đoàn Văn Vươn tiếp tục với phần xét hỏi. HĐXX thẩm vấn bị cáo, bị hại, nhân chứng và giám định viên. Các bị cáo đã mô tả lại vụ nổ súng tại vườn ông Vươn.

> Bị cáo Đoàn Văn Vươn xin thay đổi tội danh

Các bị cáo tại tòa.

Bị cáo Vươn khai buộc phải làm như vậy trước quyết định thu hồi, cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng, vì trước đó đã gửi gần 100 kg đơn thư đến các cơ quan chức năng trung ương và địa phương kêu cứu, nhưng không được giải quyết triệt để.

Bị cao Vươn kể về những tháng ngày cả gia đình cơ cực, vất vả khai hoang lấn biển, đổ không biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc để sau gần 20 mới hình thành khu đầm nuôi trồng thủy sản như hiện nay.

Bị cáo Vươn nói chưa thu hồi được vốn và hiện còn nợ ngân hàng và mọi người khoảng 5 đến 6 tỉ đồng, chưa kể tiền lãi...

“Khi bị thu hồi đầm, UBND huyện Tiên Lãng không đền bù cho tôi một đồng xu nào...”, bị cáo Vươn trả lời câu hỏi của Hội đồng Xét xử.

Bị cáo Đoàn Văn Quý.

Bị cáo Vươn thừa nhận, khi nhận quyết định cưỡng chế, đã bàn với một số anh em trong gia đình tìm cách chống lại đoàn cưỡng chế. Các bị cáo đã chôn 2 quả mìn tự tạo trên đường đi và chuẩn bị hai khẩu súng bắn đạn hoa cải, chục tút đạn để nhồi đạn tự tạo.

Tại tòa, bị cáo Quý khai, là người nổ hai phát súng bắn vào đoàn cưỡng chế, làm 7 cán bộ công an, quân đội bị thương, trong đó có các bị hại đang có mặt tại tòa.

Hội đồng Xét xử cũng thẩm vấn các bị hại là 5 cán bộ công an huyện Tiên Lãng, nhân chứng và giám định viên, nhằm làm rõ tính công vụ của các bị hại, khi tham gia đoàn cưỡng chế và các tình tiết cụ thể của vụ án.

Thượng tá Lê Văn Mải (nguyên Trưởng Công an huyện Tiên Lãng) nói, khi cấp dưới báo có mìn nổ, ông liền xuống đầm nhà ông Quý xem xét tình hình. Sau khi hai cán bộ quân đội của Ban chỉ huy Quận sự huyện Tiên Lãng rà phá bom mìn xong không thấy gì, Tổ 3 do ông Mải làm tổ trưởng dẫn đầu, xuống đầm. Vừa đi, tổ công tác này vừa cầm loa kêu gọi anh em ông Vươn.

Khi tổ công tác đến gần ngôi nhà 2 tầng thì bất ngờ cửa sổ tầng 1 bật mở toang và liên tiếp có hai tiếng súng nổ. Anh Vũ Anh Tuấn (cán bộ công an huyện Tiên Lãng) đi gần ông Mải, là người bị thương đầu tiên. Sau đó, ông Mải cùng 5 người nữa dính đạn...

Bị cáo Phạm Thị Báu.

Ông Mải khẳng định, tổ công tác số 3 của ông đi làm công vụ trong vụ việc cưỡng chế sáng 5/1/2012 của UBND huyện Tiên Lãng tổ chức. Nhân chứng Vũ Văn Thủy (cán bộ công an huyện Tiên Lãng tham gia tổ công tác cưỡng chế đầm của gia đình ông Vươn) nói, khi đi làm nhiệm vụ có mặc quân phục và mang theo súng K54. Khi quả mìn tự tạo đầu tiên bị kích nổ, ông Thủy bắn chỉ thiên cảnh cáo...

Phiên tòa "nóng” dần lên bởi câu hỏi liên tục của các luật sư với bị hại, nhân chứng và giám định viên. Nhiều câu hỏi của luật sư khá “căng” nên các bị hại, nhân chứng và giám định viên từ chối trả lời, vì cho rằng không nằm trong hồ sơ vụ án.

Sáng mai, 30/7, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục với phần tranh tụng.

Trước đó, 8 giờ sáng nay, tại TP Hải Phòng, Hội đồng Xét xử phúc thẩm hình sự, Tòa án Nhân dân Tối cao bắt đầu ngày đầu tiên xét xử vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ đối với 6 bị cáo: Đoàn Văn Vươn (50 tuổi), Đoàn Văn Quý (47 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (56 tuổi), Đoàn Văn Vệ (39 tuổi), Nguyễn Thị Thương (43 tuổi, vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, 31 tuổi, vợ ông Quý).

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Vinh Quang. Giữ quyền công tố tại tòa là kiểm sát viên Lê Hữu Quỳnh. Chín luật sư có mặt tại phiên tòa, 1 luật sư vắng mặt.

Trong đó, 8 luật sư bảo vệ 6 bị cáo và một luật sư bảo vệ các bị hại. Năm bị hại là các cán bộ công an huyện Tiên Lãng, 4 người làm chứng và 3 giám định viên đều có mặt.

Buổi sáng, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị triệu tập 17 nhân chứng như danh sách bị cáo Vươn cung cấp và nhiều người khác, nhưng chủ tọa phiên tòa bác.

Các bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ, Thương và Báu đều khẳng định tội danh mà phiên tòa sơ thẩm kết tội đều không đúng, và đề nghị Hội đồng Xét xử thay đổi tội danh khác.

Theo Viết