Bị bệnh vì đứng lâu, đi nhiều
Suy tĩnh mạch mạn tính hiện là bệnh khá phổ biến với người dân. Đặc biệt ở những người có thói quen hoặc nghề nghiệp phải đứng lâu, đi lại nhiều; phụ nữ mang thai, sinh nở nhiều; người béo phì; mắc chứng táo bón kinh niên...
Tại Mỹ, theo thống kê, có tới 10 – 30% người lớn mắc bệnh này, làm tiêu tốn hàng tỉ USD và hơn một triệu ngày công lao động hàng năm. Ở Việt Nam, theo thống kê của hội Tĩnh mạch học TP.HCM, tỷ lệ người bị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới chiếm vào khoảng 5 – 8% ở những người trưởng thành.
Thủ phạm là dòng máu chảy ngược
Trong điều kiện sinh lý bình thường, máu hệ tĩnh mạch lưu chuyển từ hai chân về tim theo chiều dưới lên trên, ngược theo chiều trọng lực, dù cơ thể đang ở tư thế đứng, nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch. Khi các hệ thống van này hư hỏng, suy yếu, ngoài dòng máu sinh lý nói trên, trong lòng tĩnh mạch sẽ xuất hiện các dòng máu chảy theo chiều ngược lại, gọi là dòng trào ngược. Chính dòng trào ngược này gây ra các triệu chứng suy tĩnh mạch chân: đau, nặng, mỏi, vọp bẻ, phù chân…
Ai dễ bị suy tĩnh mạch chân?
Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới hay xảy ra ở phụ nữ có gia đình, mang thai nhiều lần; phụ nữ trẻ làm việc văn phòng, phải đứng lâu hay đi nhiều, những người béo phì, mắc chứng táo bón kinh niên và những người lớn tuổi. Bệnh có thể đưa đến các biến chứng khá trầm trọng như dãn tĩnh mạch nông hay huyết khối tĩnh mạch sâu gây chảy máu, viêm tĩnh mạch hay tắc động mạch phổi gây tử vong và nhất là giảm đi rất nhiều chất lượng cuộc sống.
Điều trị hiệu quả bằng sóng cao tần
“Bệnh có thể đưa đến các biến chứng khá trầm trọng như dãn tĩnh mạch nông hay huyết khối tĩnh mạch sâu gây chảy máu, viêm tĩnh mạch hay tắc động mạch phổi gây tử vong và nhất là giảm đi rất nhiều chất lượng cuộc sống”
Theo quan điểm điều trị mới của y học ngày nay, cần loại bỏ dòng trào ngược là nguyên nhân gây ra bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới. Trên thế giới có nhiều phương pháp để loại bỏ dòng này. Với sự phát triển của y học, các bác sĩ đã đi sâu tìm hiểu cơ chế sinh bệnh suy tĩnh mạch, ứng dụng các thành tựu, phát minh khoa học vào chẩn đoán và điều trị.
Một trong những ứng dụng mới nhất của y học hiện đại là sử dụng sóng cao tần nhằm loại bỏ dòng trào ngược trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, gọi tắt là RFA (radio frequency ablation). Đây là phương pháp đã được cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý cho áp dụng rộng rãi tại nước này. Ở Việt Nam, phương pháp này cũng được một số cơ sở điều trị và một số thầy thuốc của hội tĩnh mạch học TP.HCM áp dụng, cho kết quả tốt với những chỉ định đúng, đã được hội đồng khoa học kỹ thuật của hội thông qua.
RFA là phương pháp huỷ mô bằng nhiệt, gây ra bởi sự ma sát của các ion trong mô, dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng sóng âm thanh (200 – 1.200MHz). Dòng điện từ máy truyền vào mô cơ thể qua một điện cực dạng kim (needle electrode), dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh, dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông phần mô cần huỷ.
RFA thường được thực hiện cho những bệnh nhân dãn tĩnh mạch chân độ 2 trở lên theo phân độ CEAP. Bệnh nhân suy tĩnh mạch đã điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc và mang vớ áp lực hơn một tháng nhưng chưa thuyên giảm triệu chứng hay không cải thiện điểm độ nặng lâm sàng, siêu âm có dòng trào ngược trong hệ tĩnh mạch, cũng có thể điều trị bằng RFA. Hiện phương pháp điều trị này ngày càng được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam
Theo Sài Gòn tiếp thị