Huyền thoại võ thuật Trung Quốc Hoắc Nguyên Giáp qua đời vào ngày 14/9/1910, không bao lâu sau khi ông cùng một số võ sư thành lập Tinh võ thể dục hội.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, thế hệ sau vẫn còn chưa có được lời giải chính xác về sự ra đi đột ngột của Hoắc Nguyên Giáp khi chỉ mới 42 tuổi.
Hiện nay, lời giải thích được nhiều người Trung Quốc tin vào nhất là Hoắc Nguyên Giáp bị hạ độc.
Loại thuốc đó được cho là tàn phá phổi Nguyên Giáp một cách từ từ. Giả thiết này xuất hiện đầu tiên trong hai tác phẩm Quyền thuật và Cận đại hiệp nghĩa anh hùng truyện của tác giả Hướng Khải Nhiên.
Trong cuốn Tinh võ bản ký của Trần Thiết Sinh sau đó có viết “Buổi sáng sau hôm võ sư (chỉ Hoắc Nguyên Giáp) qua đời, bác sĩ Akino người Nhật Bản đã tìm cách tiêu huỷ mọi thứ liên quan, các đệ tử của võ sư nghi ngờ, tiến hành kiểm tra và phát hiện thuốc mà Akino sử dụng để điều trị cho võ sư là một loại thuốc làm hỏng phổi một cách từ từ”.
Một đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp từng trả lời phỏng vấn cho biết: “Phái nhu đạo của Nhật Bản thường tìm Hoắc Nguyên Giáp để tỉ thí, Hoắc thường đưa đệ tử ra để giao đấu, đa số họ đều giành chiến thắng. Người Nhật vì thế mà căm hận, quyết định phải trừ khử Hoắc.
Bề ngoài thì họ bắt tay giao hảo, nhưng thực chất lợi dụng việc Hoắc mắc bệnh và đưa ông tới bệnh viện do người Nhật mở để điều trị, kết quả là sau khi xuất viện, bệnh càng ngày càng nặng, sau khi Tinh võ hội thành lập được 70 ngày, Hoắc Nguyên Giáp đã ra đi, đệ tử đã mang thuốc mà ông uống tới viện kiểm tra và phát hiện ra, đó là thuốc hại phổi”.
Tuy nhiên, rất nhiều người lại cho rằng nội dung những cuốn sách đó đang hướng thế hệ sau tới những suy nghĩ sai lầm. Những bài thuốc dân gian cũng như y học thời kỳ đó không có loại thuốc nào là “thuốc hại phổi”.
Trong khi đó, võ sư Trần Công Triết (1890 – 1961) – một nhân tố quan trọng của Tinh môn thể dục hội – cho rằng, cái chết của Hoắc Nguyên Giáp do tự thân bệnh nặng và điều trị thuốc không phù hợp.
Trong hồi ức của Trần Công Triết, “Hoắc tiên sinh vốn bị bệnh và thường xuyên ho ra máu.
Bác sĩ kê thuốc và nói rằng thuốc này có thể trị được chứng ho ra máu, Hoắc tiên sinh nghe theo, tuy nhiên, càng uống bệnh càng nặng hơn. Bệnh của Hoắc tiên sinh vốn do thời trẻ đã luyện khí công quá nhiều, làm tổn thương tới phổi.
Từ khi chuyển tới tiểu khu Vương gia trạch, bệnh tình của Hoắc tiên sinh chuyển biến nguy kịch hơn, mọi người đưa ông nhập viện của Hội chữ thập đỏ Trung Quốc trên đường Tân Áp, sau khi điều trị ở đó 2 tuần, tiên sinh ra đì vào tháng 8 âm lịch năm 1910”.
Một nguyên nhân hoàn toàn khác được đưa ra là do bệnh cũ của Hoắc Nguyên Giáp bất ngờ tái phát, dẫn đến tình trạng nguy kịch và không thể cứu chữa. Cuốn “Đại lực sĩ Hoắc Nguyên Giáp truyện” của tác giả Tiêu Nhữ Lâm viết:
“Năm đó, một nhóm nhu thuật gia Nhật Bản tới biểu diễn ở Thượng Hải, Hoắc Nguyên Giáp cũng tới coi. Sau khi coi biểu diễn nhu thuật, Hoắc Nguyên Giáp nổi hứng và lên sân khấu biểu diễn võ thuật Trung Quốc (năm đó, tuy mới hơn 40 tuổi nhưng Hoắc Nguyên Giáp đã mắc bệnh nan y). Trong lúc ông quá dồn sức cho màn biểu diễn, bệnh cũ tái phát.
Một bác sĩ người Nhật tên là Akino có mặt tại đó đã tiến hành cấp cứu, nhưng do bệnh quá nguy kịch, thêm vào không có thiết bị y tế, sau khi sơ cứu, Hoắc Nguyên Giáp được chuyển tới bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Cái chết của ông là do viêm gan cấp tính và suy thận, hoàn toàn không phải do trúng độc, báo cáo về cái chết của Hoắc Nguyên Giáp hiện vẫn còn lưu lại trong hồ sơ của Bệnh viện Chữ thập đỏ Thượng Hải, rất nhiều người đã đọc báo cáo đó. Cái chết của Hoắc Nguyên Giáp có thể tóm gọn lại là: bệnh đột ngột tái phát – cứu chữa không kịp – qua đời”.
Cho tới tận ngày nay, cuộc tranh cãi giữa các giả thuyết về cái chết của huyền thoại võ thuật thời hiện đại của Trung Quốc Hoắc Nguyên Giáp vẫn chưa kết thúc và vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời cuối cùng.