Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/12/2023, trong đó bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT; bổ sung quy định lập, giao dự toán chi KCB BHYT và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa cho hay, trong lập và giao dự toán chi KCB BHYT, cơ quan BHXH được giao trách nhiệm chính, trên cơ sở dự toán thu – chi quỹ BHYT, BHXH Việt nam giao dự toán cho các địa phương (trên cơ sở địa phương đề nghị và số chi năm trước). Trường hợp điều chỉnh dự toán chi phải thông báo về BHXH trước ngày 15/10 để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền và điều chỉnh.
“Bài toán đặt ra cho BHXH Việt Nam hiện nay là phải đảm bảo được lập dự toán, phân bổ quỹ KCB BHYT đạt được yêu cầu công khai, minh bạch, sát với thực tế và sát với nhu cầu chi phí KCB của cơ sở y tế. Việc phân bổ cũng phải đảm bảo kiểm soát chi phí BHYT được sử dụng hiệu quả, hợp lý, dễ tổ chức thực hiện...”, ông Hoà nói.
Vấn đề trên cũng là nội dung BHXH Việt Nam mong muốn các chuyên gia WB hỗ trợ kỹ thuật, xác định các tiêu chí để đánh giá mức độ hợp lý các chi phí KCB trong điều kiện phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh (DRG) hiện vẫn chưa triển khai trong thực tế.
Nghị định 75 có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023, đồng nghĩa dự toán chi KCB BHYT cũng phải được gấp rút xây dựng, thực hiện cho năm 2024. Trong quy định của Nghị định 75, cơ sở KCB phải ước tính số ước chi, đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố. Cơ quan BHXH sẽ thẩm định tính hợp lý của các đề xuất này. Do đó rất cần các tiêu chí đảm bảo khoa học, khách quan cho cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, cũng rất cần xét đến trường hợp đề xuất số ước chi của các cơ sở KCB trên toàn quốc sẽ vượt số thực tế của nguồn quỹ KCB BHYT trong năm.
Bà Sarah Bales, chuyên gia cao cấp lĩnh vực BHYT của WB đề xuất, trước mắt, BHXH Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Thái Lan và một số quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này và có một số điểm tương đồng với y tế Việt Nam.
Ông Christophe Lemiere, Trưởng ban Phát triển Con người WB gợi ý, BHXH Việt Nam cần áp dụng đồng thời 2-3 giải pháp để đảm bảo chi phí KCB BHYT được sử dụng hiệu quả. Về dài hạn, có thể xem xét xây dựng dự toán chi phí KCB BHYT trên cơ sở xác định trọng số tương đối. Giải pháp ngắn hạn đảm bảo lập và giao dự toán chi KCB BHYT cho năm 2024 là áp dụng một số chỉ số nhằm nhanh chóng đánh giá tính hợp lý trong chi phí của bệnh viện.
Nhóm chuyên gia WB có thể đề xuất một số chỉ số đánh giá mức tăng chi phí ở bệnh viện có hợp lý hay không. Hai bên thống nhất, tổ chuyên môn gồm đại diện BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và nhóm chuyên gia WB sẽ gấp rút làm việc, để xác định các tiêu chí ban đầu đánh giá chi phí, đạt được sự đồng thuận giữa hai ngành BHXH và Y tế.
Ngay từ khi Nghị định 75 được ban hành, BHXH Việt Nam đã gấp rút triển khai nhiều hoạt động, ban hành các văn bản phối hợp với ngành Y tế, hướng dẫn BHXH các địa phương đảm bảo Nghị định 75 được thực hiện kịp thời, hiệu quả, không bỏ sót quyền lợi người bệnh và cơ sở y tế.
BHXH Việt Nam cũng có công văn đề nghị Bộ Y tế làm rõ một số vướng mắc trong thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP, liên quan thủ tục KCB BHYT và điều khoản chuyển tiếp. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế kịp thời hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và có cơ sở hướng dẫn BHXH các tỉnh thành thống nhất triển khai đúng quy định.