Bệnh gút tấn công người trẻ

TP - Không còn là “bệnh của nhà giàu”, chỉ có ở những người sau tuổi 30, giờ đây bệnh gút hiển hiện cả ở những người nông dân nghèo khó và đang tấn công ở cả người trẻ khi mới 16 tuổi.

> Những điều nên biết về bệnh gút

Tự điều trị không đúng chỉ định của thầy thuốc, vô tự dùng thuốc không rõ nguồn gốc, nhiều bệnh nhân mắc gút bệnh càng nặng hơn .

Cách đây hai tháng, Nguyễn Văn Hải A., 16 tuổi ở quận Phú Nhuận (TP HCM) phải nghỉ học một tuần vì mắt cá nhân của A. bị sưng lên kèm theo những cơn đau dữ dội. Đến Viện Gút TPHCM xét nghiệm, A. được các bác sĩ chẩn đoán bị gút do axít uric trong máu quá cao.

Bị tình trạng tương tự, anh Nguyễn Quang H., 20 tuổi ở quận 1 (TP HCM), cho biết cách đây một tháng thấy ngón chân cái đau nhẹ, sau đó cơn đau kéo lên ở cổ chân rồi đến đầu gối và xuất hiện đau ở ngón tay. “Đi khám, các bác sĩ cho biết đã bị gút”- H. chia sẻ.

Tại phòng khám của viện này trong những ngày qua, nhiều bệnh nhân đến thăm khám khi tuổi đời mới chỉ 18 và 20 tuổi.

Những người có axit uric máu cao nên kiêng hoặc hạn chế dùng các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin như phủ tạng động vật, các loại thịt có màu đỏ, các loại hải sản, nấm, đậu..., đồ uống có tính kích thích như trà đặc, cà phê, rượu trắng, hạt tiêu, hồi, quế, ớt.

Sau 5 năm thành lập Viện Gút TPHCM, nơi này đã tiếp nhận và điều trị hơn 20 nghìn bệnh nhân mắc gút. Theo GS- BS Hoàng Khải Lập- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bệnh gút thuộc Viện Gút TPHCM, trong hai năm trở lại đây bệnh nhân mắc căn bệnh này đến điều trị khi tuổi còn khá trẻ, nhiều người mới tuổi 16.

“Trong số hơn 20.000 bệnh nhân gút đến khám và điều trị tại viện, thì 96% bệnh nhân là nam giới. Có đến 38% bệnh nhân ở lứa tuổi dưới 40. 75% bệnh nhân gút vẫn còn đang ở độ tuổi lao động 18-55 tuổi”- bác sĩ Lập cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Viện Gút cho biết, trong số bệnh nhân đến khám có hơn 60% bệnh nhân đã chuyển thành gút mãn tính.

Bệnh nhân đủ thành phần từ nhà giàu đến những người nghèo khó, thậm chí cả lao động chân tay như thợ hồ, chạy xe ôm.

Do phát hiện bệnh muộn, chủ quan, nên 32% bệnh nhân đã bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Trên 80% bệnh nhân bị rối loạn mỡ trong máu. Còn theo GS Hoàng Khải Lập, khi đến điều trị, rất nhiều bệnh nhân đã chuyển sang tiểu đường, bệnh mạch vành, viêm loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm giảm đau kéo dài.

Theo bác sĩ Hồng Thu nguyên nhân gây bệnh gút được xác định là nồng độ axit uric trong máu cao.

“Khi mắc bệnh, đặc biệt đã bị gút mạn tính thì tình trạng bệnh rất nặng nề. Hầu hết các khớp biến dạng, vận động rất khó khăn, các khớp đau nhiều vì viêm cấp khớp, chất lượng sống bị giảm sút, kéo theo chi phí tốn kém.

Ngoài ra, mắc gút nặng bệnh nhân phải điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn khớp, suy thận, viêm tụy.

Theo các chuyên gia ở Viện Gút, nhiều nghiên cứu những người mắc bệnh gút có nguy cơ nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành, tử vong cao gấp nhiều lần so bình thường.

Bác sĩ Hoàng Khải Lập cho biết, đã có hàng nghìn bệnh nhân mang gút mạn tính một phần do bệnh diễn tiến âm thầm nên không biết, phần khác là bệnh nhân tự điều trị, tự dùng thuốc, thực phẩm chức năng không có chỉ định và bỏ cuộc điều trị giữa chừng.

“Rất nhiều bệnh nhân tự mua thuốc uống, không kiểm soát được chế độ dinh dưỡng, thậm chí bệnh nhân còn lạm dụng các loại thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc có Dexamethason khiến bệnh nặng hơn”- bác sĩ Lập nói.

Theo Báo giấy